Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/26/2011(UTC) Posts: 16,982
Thanks: 6939 times Was thanked: 2770 time(s) in 1957 post(s)
|
Mỹ tăng cường an ninh Điện Capitol trước nguy cơ bị xâm nhập
Thụy My - RFI - 04/03/2021 Tại Hoa Kỳ, an ninh đã được tăng cường và Hạ Viện bỏ phiếu sớm do cảnh sát cảnh báo về khả năng những người tham gia phong trào QAnon xâm nhập hôm nay 04/03/2021.
Các thành viên của phong trào theo thuyết âm mưu này chưa bao giờ chấp nhận chiến thắng của Joe Biden, vẫn nghĩ rằng ngày 04/03 ông Donald Trump sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Càng cận ngày, những lời kêu gọi của những người biểu tình ủng hộ ông Trump càng được giám sát kỹ lưỡng. Hôm qua lực lượng bảo vệ tòa nhà Quốc Hội cho biết đã có được các thông tin cho thấy các dân quân QAnon dự định xâm nhập hôm nay, thứ Năm, đồng thời khẳng định đã siết chặt an ninh. Bên cạnh đó Vệ Binh Quốc Gia vẫn tuần tra thường xuyên trong Điện Capitol, được bảo vệ bằng các rào chắn và hàng rào thép gai.
Sau khi cảnh sát cảnh báo, hai cuộc bỏ phiếu dự trù vào hôm nay đã được Hạ Viện tổ chức tối qua, để 430 dân biểu cho đến tuần tới mới quay lại Điện Capitol. Ngược lại Thượng Viện vẫn họp từ trưa nay, được giữ an ninh nghiêm ngặt.
Cho đến năm 1933, các tổng thống Mỹ luôn nhậm chức vào ngày 04/03, chứ không phải ngày 20/01 như bây giờ. Tuy ông Biden đã lên làm tổng thống ngày 20/01/2021, nhiều thành viên QAnon vẫn còn tin rằng đối thủ Cộng Hòa của ông sẽ quay lại nắm quyền vào hôm nay, tuy khó thể đánh giá được số người sẽ biến niềm tin thành hành động.
Giá phòng tại khách sạn sang trọng Trump International nằm gần Điện Capitol đã tăng vọt lên 1.331 đô la cho đêm thứ Tư và thứ Năm, thay vì giá 476 đô la cho đến cuối tháng Ba.
Cảnh sát cảnh báo âm mưu khả dĩ tấn công Điện Capitol
Voa / Reuters - 04/03/2021 Lực lượng cảnh sát bảo vệ Điện Capitol ngày 3/3 nói họ nhận được tin tình báo về một âm mưu khả dĩ của một tổ chức dân quân muốn xâm nhập tòa nhà Quốc hội vào ngày 4/3, một kế hoạch tương tự như cuộc tấn công hôm 6/1.
Tuyên bố của cảnh sát Điện Capitol không nêu tên tổ chức nào, chỉ nói là “một tổ chức đã xác định được danh tính.”
Theo nhà cầm quyền, các phần tử cực đoan cánh hữu nằm trong số đám đông ủng hộ viên của cựu Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol ngày 6/1 làm gián đoạn việc Quốc hội phê chuẩn chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden.
Ngày 4/3 là ngày mà một số người theo thuyết âm mưu cánh hữu nói rằng ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai.
Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hơn 300 người tham gia vụ bao vây Điện Capitol. Trong vụ bạo loạn đó có 5 người thiệt mạng.
Trong số những người bị bắt có những thành viên của các tổ chức cánh hữu Oath Keepers, Three Percenters và Proud Boys. Oath Keepers và Three Percenters là những tổ chức dân quân vũ trang.
“Cảnh sát Điện Capitol biết và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bất kỳ đe dọa khả dĩ nào nhắm vào các thành viên Quốc hội hay nhắm vào khu phức hợp Điện Capitol,” cảnh sát nói trong một tuyên bố.
Tuyên bố của cảnh sát lưu ý rằng họ đã tăng cường an ninh đáng kể tại Điện Capitol.
Hôm 2/3, quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát Hạ viện Timothy Blodgett thông báo với các thành viên Quốc hội về mối đe doạ an ninh khả dĩ kéo dài từ ngày 4/3 đến 6/3. Thông báo đề cập đến khả năng biểu tình và những hoạt động biểu tình xung quanh điều mà một số người mô tả là ‘Ngày Tuyên thệ Nhậm chức thực sự.’”
Trong gần một thế kỷ nay, các Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Trước đây, ngày 4/3 từng là ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Vì sao quyền lực mềm của Mỹ suy giảm
VOA Tiếng Việt - 04/03/2021 Mỹ đã mất vị trí là siêu cường có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm qua và cũng là nước tụt hạng nhanh nhất trên bảng Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu mới được công bố
Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu 2021 cho thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ sụt giảm nhanh nhất trên toàn thế giới sau một năm được coi là “hỗn loạn trên diện rộng”, từ khủng hoảng dịch bệnh cho tới chính trị.
Giữa một chiến dịch bầu cử đầy sóng gió và sự ứng phó thiếu nhất quán đối với COVID-19, Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu về quyền lực mềm trên toàn cầu, rơi xuống vị trí thứ 6 và nhường vị trí số 1 cho Đức. Với điểm số tổng thể là 55,9 trên 100, giảm 11,2 điểm so với năm ngoái, Mỹ có sự sụt giảm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên bảng xếp hạng trong nghiên cứu được coi là bao quát nhất thế giới về giá trị thương hiệu quốc gia.
Sự lãnh đạo của Trump
Với việc cựu Tổng thống Donald Trump do dự thừa nhận quy mô và mức độ nghiêm trọng của đại dịch và bị chỉ trích ở trong lẫn ngoài nước, Mỹ xếp cuối bảng chỉ số COVID-19 trong số tất cả 105 quốc gia được đánh giá trong nghiên cứu này.
Theo nhận định của David Haigh, chủ tịch và CEO của Brand Finance – công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, sự hoành hành của virus corona trên khắp nước Mỹ cộng với việc Tổng thống Trump “chỉ trích các nhà chuyên môn y tế và đưa ra các biện pháp điều trị liều lĩnh tại nhà rất có thể là thủ phạm khiến vị thế hình mẫu lâu nay của Mỹ trên toàn thế giới suy giảm, tại thời điểm mà sự lãnh đạo toàn cầu hợp lý được cho là cần thiết nhất”.
Sự sụp đổ quyền lực mềm của Mỹ bắt đầu từ năm 2017, ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống. (GS Joseph Nye, Đại học Harvard)
Được công bố tại hội nghị Thượng đỉnh Quyền lực mềm Toàn cầu 2021 trực tuyến từ London, Anh, do Brand Finance tổ chức hôm 25/2 với sự tham dự của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu 2021 là nghiên cứu toàn diện nhất với 75.000 người từ trên 100 quốc gia tham gia khảo sát.
Giáo sư của Đại học Harvard, Joseph Nye, người đầu tiên đưa ra khái niệm ‘quyền lực mềm’ vào cuối thập kỷ 1980 và có mặt tại thượng đỉnh hôm 25/2, nhận định rằng sự sụp đổ quyền lực mềm của Mỹ bắt đầu từ năm 2017, ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống.
“Quan điểm hạn hẹp của ông Trump đối với các đồng minh quốc tế, việc rút khỏi các thoả thuận toàn cầu như Hiệp định Khí hậu Paris và thiếu sự hỗ trợ cho WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã gây tổn hại đến quyền lực mềm của Mỹ trước khi COVID-19 bùng phát”, GS Nye nói.
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew, có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ, đưa ra vào năm ngoái, chỉ có 29% những người tham gia trả lời từ 33 quốc gia trên thế giới tin vào ông Trump – thấp ngang với mức mức tin tưởng của quốc tế mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được. Thăm dò của Gallup tiến hành ở 134 quốc gia vào năm 2019 cũng cho thấy chỉ có khoảng 30% những người được hỏi có quan điểm tích cực về Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump.
Được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng tới sự lựa chọn và hành vi của các quốc gia khác trên thế giới, quyền lực mềm mà một nước nào đó có được là bằng sự thu hút hoặc thuyết phục chứ không phải vì ép buộc.
Các giá trị cởi mở của xã hội dân chủ Mỹ là những nguồn đóng góp lớn nhất cho quyền lực mềm của Mỹ, theo GS Nye. Ông còn cho rằng quyền lực mềm của Mỹ “bắt rễ sâu xa hơn cả nền chính trị và các chính sách” và không chỉ đến từ sức mạnh quân sự và kinh tế. Theo nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard, những bộ phim Hollywood trong đó tôn vinh những phụ nữ độc lập hay những người yếu thế dám đứng lên tranh đấu đã cuốn hút những khán giả từ bên ngoài nước Mỹ. Hơn nữa các công ty, các trường học, các tổ chức, nhà thờ và những phong trào biểu tình tại Mỹ cũng đã đóng góp vào quyền lực mềm của Hoa Kỳ, theo GS Nye.
“Ông Trump là tổng thống đầu tiên không đặt nặng vào các giá trị”, GS Nye nhận định. “Khi Mỹ coi trọng các giá trị sẽ khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn hơn đối với xã hội và do đó quyền lực mềm (mà Mỹ có được) đã trở nên vô song”.
‘Nước Mỹ trở lại’
Câu hỏi được đặt ra là liệu nước Mỹ có thể phục hồi được quyền lực mềm của mình hay không và theo GS Nye, câu trả lời là “có thể”.
“Trước đây chúng ta đã làm được điều đó”, giáo sư của Đại học Harvard nói và cho biết rằng vào những năm 1960, các thành phố của Hoa Kỳ chìm trong những ‘ngọn lửa’ của biểu tình sắc tộc trong khi nhiều cuộc biểu tình trên thế giới cũng nổ ra để phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng theo ông, một loạt các cải cách và những chính sách nhân quyền được Quốc hội Mỹ thông qua trong những thập niên tiếp theo “đã chứng minh sự phục hồi” của quyền lực Mỹ.
Mỹ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để khôi phục danh tiếng của mình trong bốn năm tới. (David Miliband, Chủ tịch và CEO của IRC)
Nhiều người cho rằng nước Mỹ đã mất đi hình ảnh vốn có của một nền dân chủ thượng tôn pháp luật trong cuộc bầu cử mà vị tổng thống đương nhiệm khi đó, ông Trump, cáo buộc mà không có bằng chứng về sự gian lận trong kiểm phiếu, điều mà chúng ta thường thấy ở các cuộc bầu cử của các nước dưới chế độ độc tài và không có dân chủ. Tuy nhiên, theo GS Nye, quyền lực mềm của Mỹ lại được củng cố bởi thực tế rằng nền dân chủ Mỹ đã tiến hành một cuộc bầu cử trung thực nhất ở 50 tiểu bang với một lượng cử tri tham gia bỏ phiếu kỷ lục giữa cơn đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ.
“Nếu Mỹ tiếp tục đạt được tiến bộ về vaccine và có thể kiểm soát được đại dịch, cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, thì triển vọng của chúng ta sẽ tốt”, GS Nye nói. “Vì vậy, nếu dự báo về Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu sẽ như thế nào trong năm tới, tôi tin rằng Mỹ sẽ quay trở lại xu hướng tăng lên”.
Tuy nhiên người đứng đầu uỷ ban hỗ trợ nhân đạo toàn cầu IRC có trụ sở ở New York, David Miliband, cảnh báo về những thách thức phía trước và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chính trực và đoàn kết nội bộ đối với quyền lực mềm.
“Ngày nay có nhiều trung tâm quyền lực hơn bao giờ hết và sự cạnh tranh tăng cao về quyền lực mềm này đồng nghĩa với việc tái tạo các thành quả trong quá khứ sẽ khó khăn hơn nhiều”, Chủ tịch và CEO của IRC nhận định tại thượng đỉnh hôm 25/2.
Theo ông Miliband, nếu một quốc gia bị chia rẽ thì việc thu hút các nước khác sẽ trở nên khó khăn hơn, và kết quả là quyền lực mềm sẽ bị ảnh hưởng.
“Về điều này, tôi nghĩ Mỹ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để khôi phục danh tiếng của mình trong bốn năm tới,” ông Miliband nói.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 giữa Tổng thống đương nhiệm Trump và cựu Phó Tổng thống Biden, khi còn tranh cử, được coi là gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trước những cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về “cuộc bầu cử đã bị đánh cắp” mà ông nói mình mới là “người chiến thắng”, những người ủng hộ vị tổng thống, người thường đưa ra những phát biểu gây chia rẽ, đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử, với đỉnh điểm là cuộc tấn công vào Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ nơi Thượng viện tiến hành phê chuẩn kết quả chiến thắng của ông Biden.
Nhưng sau tất cả những sóng gió đó, “nền dân chủ đã chiến thắng”, như lời Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ở thủ đô Washington hôm 20/1. “Nước Mỹ đã trở lại”, ông tuyên bố.
Myanmar: Cảnh sát lại giải tán đám đông sau ngày đẫm máu nhất
Voa / Reuters -04/03/2021 Cảnh sát Myanmar hôm 4/3 lại dùng hơi cay và nổ súng để phá vỡ các cuộc biểu tình tại nhiều nơi, nhưng ngay trong lúc này chưa có thông tin về con số thương vong, một ngày sau khi 38 người thiệt mạng trong ‘ngày đẫm máu nhất’ kể từ cuộc đảo chính tháng trước, theo Liên Hiệp Quốc.
Bất chấp bị đàn áp, giới hoạt động vẫn không nản lòng, họ nói họ từ chối chấp nhận chế độ cai trị của quân đội và quyết tâm gây sức ép để đòi trả tự do cho lãnh đạo chính phủ dân cử Aung San Suu Kyi, đồng thời đòi quân đội phải công nhận chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm ngoái.
Nhà hoạt động Maung Saungkha nói với Reuters:
“Chúng tôi biết là mình có thể bị bắn chết bằng đạn thật, nhưng cuộc sống không có ý nghĩa gì nếu phải sống dưới quyền của tập đoàn quân phiệt.”
Cảnh sát sau đó đã nổ súng và xịt hơi cay để phá vỡ các cuộc biểu tình ở Yangon và ở thị trấn Monywa, theo lời các nhân chứng. Truyền thông đưa tin cảnh sát Myanmar cũng nổ súng tại thị trấn Pathein, phía tây Yangon.
Tại thành phố này, đám đông biểu tình đã sớm tập hợp lại để hô khẩu hiệu và ca hát.
Nhiều đám đông lớn cũng tụ tập một cách ôn hòa ở những nơi khác, kể cả tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai và tại thị trấn lịch sử Bagan, nơi hàng trăm người tuần hành, mang theo ảnh của Suu Kyi và biểu ngữ có ghi hàng chữ: "Hãy trả tự do cho lãnh đạo của chúng tôi", các nhân chứng cho biết.
Trước đó trong ngày, 5 máy bay chiến đấu đã nhiều lần xà xuống thấp theo đội hình qua thành phố Mandalay, theo lời cư dân cho biết, trong một hành động dường như để phô trương sức mạnh quân sự.
Hôm thứ Tư, cảnh sát và binh sĩ đã nổ súng bằng đạn thật mà không cảnh báo trước tại nhiều thành phố và thị trấn.
Từ New York, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, cho biết đã có 38 người thiệt mạng ‘trong ngày đẫm máu nhất’ kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.
Số ca tử vong mới nhất đã lên tới hơn 50 người giữa lúc quân đội đang cố áp đặt quyền hành của họ.
Richard Weir, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói:
“Các lực lượng an ninh Myanmar quyết trấn dẹp phong trào chống đảo chính bằng bạo lực bừa bãi và sự tàn bạo tuyệt đối”.
Có tin cho hay một người đàn ông đang bị câu lưu đã bị bắn vào lưng, theo HRW.
Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng cho hay 4 trẻ em đã thiệt mạng hôm thứ Tư, kể cả một thiếu niên 14 tuổi bị một người lính ngồi trên xe tải đi ngang qua bắn chết, theo Đài Á Châu Tự do.
Một video của Đài Á Châu Tự do chiếu cảnh cảnh sát Yangon ra lệnh cho 3 nhân viên y tế bước ra khỏi xe cứu thương, rồi tấn công họ bằng báng súng và dùi cui. Reuters không thể kiểm chứng thông tin này một cách độc lập.
Một phát ngôn viên của hội đồng quân nhân cầm quyền không trả lời các cuộc gọi của Reuters yêu cầu bình luận.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi cho biết sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar Schraner Burgener cho biết bà đã cảnh báo Phó Tổng tư lệnh quân đội Soe Win rằng quân đội Myanmar có thể bị một số nước trừng phạt và cô lập vì vụ đảo chính.
Bà cho biết ông này trả lời:
“Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt, và chúng tôi đã sống sót”.
Khi bà cảnh báo rằng quân đội sẽ rơi vào tình trạng cô lập, ông ta nói:
“Chúng tôi phải học cách xoay sở với ít bạn hơn”.
Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về tình hình Myanmar vào ngày thứ Sáu tới trong một phiên họp kín.
Trung Quốc từ chối, không lên án vụ đảo chính ở Myanmar. Hoa Kỳ nói rằng Mỹ trông đợi Bắc Kinh đóng một vai trò xây dựng trong vụ này.
Tình trạng rối loạn ở Myanmar đã làm các nước láng giềng ở Đông Nam Á lo lắng, nhưng cố gắng của một số nước cổ vũ cho đối thoại đã không mang lại kết quả.
Singapore, nước đầu tư lớn nhất tại Myanmar, khuyến cáo các công dân Singapore hãy sớm rời khỏi Myanmar khi còn có thể.
Ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã chạy sang Ấn Độ, họ sợ bị trừng phạt vì đã không tuân lệnh cấp trên đàn áp người biểu tình, một quan chức cảnh sát Ấn Độ nói với Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ : Cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI
Thùy Dương - RFI - 04/03/2021 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định cạnh tranh với Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI” của Washington và các đồng minh. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng khẳng định sẽ kết hợp cứng rắn và đối thoại trong quan hệ với Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng năm 2021, ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua 03/03/2021 nhận định, một số quốc gia trở thành những thách thức đáng kể đối với Mỹ, trong đó phải kể đến Nga, Iran hoặc Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, ông Blinken tuyên bố : “Thách thức do Trung Quốc đặt ra thì khác, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ có thể là lay chuyển nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở, mọi quy tắc, giá trị và quan hệ” khiến cho thế giới thay đổi theo hướng Bắc Kinh mong muốn.
Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh sẽ là sự đan xen giữa “cạnh tranh nếu lành mạnh”, “hợp tác khi có thể" và "đối kháng nếu cần thiết". Ông Antony Blinken cũng hứa sẽ "đối thoại với Trung Quốc trên thế mạnh", nhằm tìm kiếm điểm chung để chống biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh y tế và thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân.
"Thế mạnh" mà Washington cần được giành lại cũng chính là thông điệp cốt lõi của các đường lối chỉ đạo chính sách đối ngoại của tổng thống Biden mà Nhà Trắng công bố hôm qua 03/03. Chính sách này nhấn mạnh cần phải hồi sinh mạng lưới liên minh “không gì sánh nổi” của Hoa Kỳ và khôi phục hình ảnh của nền dân chủ. Trong tài liệu 24 trang về các ưu tiên an ninh quốc gia, tổng thống Joe Biden coi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc là một thách thức lớn mà Mỹ phải đối đầu.
Bình Nhưỡng xoay sở mọi cách, kể cả tin tặc để đối phó với cấm vận và dịch bệnh
Minh Anh - RFI - 04/03/2021 Thứ Ba, 16/02/2021, cơ quan tình báo Hàn Quốc tiết lộ Bắc Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công mạng nhắm vào hệ thống tin học của Pfizer nhằm đánh cắp dữ liệu về vac-xin ngừa Covid-19. Theo nhiều nhà quan sát, sự việc cho thấy Bắc Triều Tiên không nề hà sử dụng mọi phương cách để đối phó với các lệnh trừng phạt của quốc tế, cũng như dịch bệnh vì Covid-19 không « buông tha » nước này như khẳng định của lãnh đạo Kim Jong Un.
Sàng lọc ngay từ tiểu học
Truyền thông Pháp khẳng định đây không phải là đợt tấn công đầu tiên. Năm 2020, Bắc Triều Tiên ít nhất có 9 lần tìm cách đánh cắp các bí mật bào chế vac-xin chống virus corona. Không chỉ với Pfizer, tin tặc Bắc Triều Tiên còn nhắm cả vào các hãng Johnson & Johnson, AstraZeneca, Novavax cũng như là tất cả các trung tâm nghiên cứu dược tân tiến nhất. Mục tiêu là để tìm kiếm các thông tin về vac-xin và phương cách điều trị bệnh Covid-19.
Một tuần trước khi Hàn Quốc tiết lộ vụ việc, hãng tin Pháp AFP trích dẫn các thông tin từ một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc, khẳng định trong suốt giai đoạn 2019-2020, nhiều định chế tài chính và sàn chứng khoán cũng bị tin tặc Bắc Triều Tiên tấn công.
Hoạt động này gia tăng cường độ trong những tháng cuối năm 2020 khi có hơn 300 triệu đô la tiền ảo Bitcoin bị tin tặc Bắc Triều Tiên đánh cắp để có tiền tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị quốc tế cấm đoán.
Những đợt tấn công tin học này cho thấy tính chất hung hăng của của những tin tặc Bắc Triều Tiên. Chế độ Bình Nhưỡng có hẳn một đội quân tin học đông đảo khoảng 1.700 người, trong đó có đơn vị 121 thuộc Tổng cục Trinh sát được cho là đội quân tinh nhuệ nhất.
Làm thế nào Bắc Triều Tiên, một quốc gia bị cô lập, lại có thể có được một đội quân tin tặc đông đảo và năng động đến như vậy ? Nhà báo Juliette Morillot, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, trên đài phát thanh France Culture giải thích rằng từ nhiều năm qua Bình Nhưỡng đã tập trung phát triển một chương trình tin học quan trọng.
Những nhóm tin tặc này đều do các cơ quan tình báo và quân đội quản lý và có thể tiến hành một cuộc chiến tranh mạng thật sự. Để có được một trình độ công nghệ thông tin cao, Bắc Triều Tiên đã bắt đầu ngay từ hệ thống học đường.
« Trẻ em tại Bắc Triều Tiên được tuyển chọn rất rất sớm ngay từ cấp tiểu học, tùy theo tài năng của các em như về thể thao, âm nhạc hay về toán học… Thế nên, các tin tặc tương lai được chọn lựa, đào tạo và huấn luyện tại những trường đại học tốt nhất nước để lập ra những nhóm tài năng làm việc cho nhiều mục đích khác nhau : kiếm tiền cho đất nước bằng cách đánh cắp tiền ảo để mang về cho chế độ những nguồn tài chính cho nhiều lĩnh vực như quốc phòng, tuyên truyền, hay như hiện nay, chúng ta còn thấy là tìm cách thâm nhập, đánh cắp vac-xin cho Bắc Triều Tiên. »
Trung Quốc : Bạn hàng và nguồn lây nhiễm chính
Từ hơn một năm nay chế độ Bình Nhưỡng, và nhất là lãnh đạo Kim Jong Un không ngừng khẳng định rằng virus corona đã không vượt qua được biên giới, đất nước không bị dịch bệnh tác động. Phải chăng việc nhắm tấn công vào các hãng bào chế vac-xin lại phản ảnh một thực tế khác về tình hình dịch bệnh và kinh tế tại Bắc Triều Tiên ?
Vẫn theo nhà báo Juliette Morillot, ở đây có một điểm nghịch lý. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên, vốn dĩ là một nước khép kín. Trong một chừng mực nào đó, gần giống như là một ốc đảo. Ở phía Nam, Bắc Triều Tiên gần như không có biên giới. Người ta không thể nào vượt qua, ngoài những cuộc đào thoát giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Vấn đề ở đây là đường biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
« Bắc Triều Tiên có đường biên giới dài với Trung Quốc. Ngay từ tháng Giêng năm 2020, Bình Nhưỡng đã có phản ứng nhanh chóng. Sự gần gũi địa lý với Trung Quốc buộc chế độ Bình Nhưỡng nhận thấy tầm mức quan trọng của vụ việc và đưa ra những biện pháp triệt để rất sớm như giãn cách xã hội, cách ly.
Dĩ nhiên khó mà tin được không có một ca nhiễm virus nào tại Bắc Triều Tiên, nhưng một cách tương đối điều này là có thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết rằng quốc gia này trên thực tế là hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, đi du lịch và di chuyển trong nước là hầu như cũng đã bị hạn chế từ nhiều năm qua.
Điều quan trọng ở đây chính là đường biên giới rất dài với Trung Quốc, khoảng 1.600 cây số và mọi hoạt động giao thương của đất nước đều thông qua ngả này. Như vậy họ đã cắt giao thương với đối tác thương mại chính của mình. »
Cấm vận, Dịch bệnh : « Khổ chồng khổ »
Lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc, và giờ buộc phải đóng cửa với « bạn hàng lớn duy nhất » vì những lý do dịch bệnh, Bắc Triều Tiên càng bị cô lập hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt quốc tế đã có những tác động mạnh đối với tầng lớp lãnh đạo, thành phần tinh hoa và nhất là người dân.
Lệnh cấm vận các loại hóa chất của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn cản Bình Nhưỡng xây dựng ngành công nghiệp tên lửa đạn đạo cũng đã làm tê liệt ngành công nghiệp dược phẩm. Trong bối cảnh này, Đại hội 8 đảng Lao Động Triều Tiên vừa qua cho thấy rõ ý định của Kim Jong Un nắm lại quyền kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế đất nước.
Nhà báo Juliette Morillot giải thích rõ là tại Bắc Triều Tiên hiện nay, tuy không được quy định thành luật, nhưng mọi hình thức hoạt động kinh tế mang hơi hướm tự do, bán tư nhân cho đến lúc này là vẫn được chấp nhận. Bà nói tiếp :
« Ở đây không chỉ có một sự tái kiểm soát thật sự về kinh tế, sẽ trở lại với mô hình tập trung hóa, mà còn có cả kiểm soát xã hội nữa. Người ta thấy mức độ kiểm soát mỗi lúc gia tăng về tất cả những gì có liên quan đến thông tin, và thậm chí người ta còn thấy lập ra một hệ thống tin học chung mới mà họ gọi là hệ thống mạng thứ 3, cho phép kiểm soát xã hội đất nước. Nghĩa là, trong nhà sẽ có một hộp điện thoại có thể phát đi các thông tin riêng đến từng người. »
Cấm vận, dịch bệnh, liệu có làm cho Bắc Triều Tiên ngã gục ? Kinh tế kiệt quệ nhưng bà Juliette Morillot nhắc lại rằng người dân Bắc Triều Tiên vốn dĩ tin rằng mối đe dọa thường trực từ Mỹ luôn còn đó, họ đã quen với các lệnh trừng phạt từ nhiều năm qua nên cũng vì thế mà đã quen với cuộc sống tựlực cánh sinh.
« Tôi nghĩ là người dân Bắc Triều Tiên sẽ còn cầm cự được lâu dài với những cơ sở hạ tầng hơi cũ kỹ nhưng song song đó là những cơ sở hạ tầng cực kỳ hiện đại được Kim Jong Un phát triển ngay khi mới lên cầm quyền. Nhưng nhìn chung, những gì Bắc Triều Tiên muốn và đây sẽ là điểm quan trọng đối với Bình Nhưỡng cho mọi cuộc đàm phán sắp tới với tân tổng thống Mỹ chính là phải đạt được việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, hiện đang bóp nghẹt Bắc Triều Tiên. »
Biden – Kim Jong Un : Một bài trắc nghiệm
Những cuộc gặp gây ồn ào giữa lãnh đạo Kim Jong Un và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump với hy vọng dỡ bỏ phần nào lệnh cấm vận từ đã không mang lại kết quả như mong muốn. Một chính quyền mới lên cầm quyền tại Washington. Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ có một cách tiếp cận mới. Tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ có chính sách nào đối với Bắc Triều Tiên ? Trả lời France Culture, bà Juliette Morillot nhận xét :
« Tôi không nghĩ là người ta sẽ trở lại với chính sách kiên nhẫn của Barack Obama, hay là chính sách kiểu Clinton. Tôi cho rằng ông Biden sẽ dựa nhiều vào những gì mà ông Moon Jae In, tổng thống Hàn Quốc gọi là ʺthành công của chính sách Trumpʺ. Trong một cuộc điện đàm, nguyên thủ Hàn Quốc mời gọi Joe Biden cùng rút ra những bài học thất bại và thành công của Trump. Nghĩa là, những thất bại chúng ta đều thấy, việc phi hạt nhân hóa đã chẳng đi được đến đâu, cho dù có thể tổng thống Hàn Quốc thành thật tin rằng Kim Jong Un sẽ thật sự phi hạt nhân hóa đất nước. Nhưng thành công là gì ? Điều hiển nhiên chính là có được một cuộc đối thoại mà trước đây chưa hề có. »
Trong chiều hướng này, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên cho rằng việc ký kết một hiệp ước hòa bình cho khu vực có lẽ sẽ là một hướng đi khả dĩ nhất. Đó cũng là điều Bắc Triều Tiên mong muốn và điều đó có thể xúc tiến được vài điểm trên bình diện ngoại giao. Nhưng bà Juliette Morillot lưu ý, Joe Biden sẽ không khởi động lại hồ sơ Bắc Triều Tiên theo hướng tiếp tục những điểm mà Donald Trump đã bỏ lửng.
« Nghĩa là, chính sách phi hạt nhân đó sẽ không diễn ra. Dù gì đi chăng nữa, người ta sẽ phải làm việc trên thực địa với một Bắc Triều Tiên trên thực tế giờ được nhìn nhận như là một cường quốc hạt nhân. Rồi chúng ta sớm thấy là ông Biden sẽ phản ứng ra sao.
Chúng ta còn nhớ là vào cuối Đại hội đảng Lao Động lần thứ 8, Bắc Triều Tiên đã phô trương những loại vũ khí chiến tranh và phòng thủ đặc biệt và siêu mạnh. Đây là một thông điệp trực tiếp cho chính quyền Biden.
Rồi sắp tới đây, đến lượt phía Mỹ, vào khoảng tháng Ba này, theo truyền thống sẽ có một đợt tập trận chung thường niên với Hàn Quốc. Những hoạt động quân sự này luôn làm cho Bình Nhưỡng tức tối. Chúng ta chờ xem, một mặt Hàn Quốc và Mỹ có sẽ giảm bớt quy mô tập trận hay không và mặt khác, Bắc Triều Tiên sẽ có phản ứng như thế nào. Tóm lại, đây là một kiểu trắc nghiệm cho cả hai phía. »
Tin tổng hợp RFI/Tiếng Việt 04/03/2021 (Al Jazeera & SCMP) – Chiến hạm Đức đến Biển Đông: Mỹ hoan nghênh, Trung Quốc tức tối. Sau khi có tin về việc một chiến hạm Đức sẽ đến châu Á trong tháng Tám, sẽ qua Biển Đông dù không đi vào khu vực « 12 hải lý » xung quanh các đảo trong tay Trung Quốc, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hoan nghênh việc Đức triển khai chiến hạm trong khu vực, ngược lại Bắc Kinh cảnh báo « không nên lợi dụng tự do hàng hải để đe dọa đến chủ quyền của các quốc gia ven biển ».
(South China Morning Post) – Biển Đông : Đài Loan bắn thử tên lửa trong thời gian Bắc Kinh diễn tập quân sự. Trong tháng 03/2021,Đài Bắc sẽ tiến hành 6 đợt thử tên lửa khi quân đội Trung Quốc tập trận kéo dài cả tháng ở Biển Đông. Ngoài ra, Không Quân Đài Loan tiến hành ít nhất 5 đợt diễn tập bắn đạn thật từ thứ Tư 03/03/2021 đến ngày 25/03 tại vùng biển gần Chialutang, phía tây nam Đài Loan. Các cuộc tập trận sẽ gần khu vực nhận dạng phòng không phía tây nam của hòn đảo (ADIZ). Tuần duyên Đài Loan cũng sẽ tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại Trường Sa vào ngày 23/03.
(AFP)–Hồng Kông không còn là nền kinh tế tự do. Hồng Kông không còn nằm trong bảng xếp hạng thường niên các nền kinh tế tự do nhất thế giới mà từ lâu đặc khu vẫn dẫn đầu, vì đã nằm trong sự kiểm soát của Bắc Kinh. Loan báo của Heritage Foundation hôm 03/03/2021 ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng của vùng đất bán tự trị đã bị Trung Quốc dùng bàn tay sắt đàn áp sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2019. Bảng xếp hạng này được lập dựa theo mức độ luật pháp và các quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tại nhiều nước.
(RFI) – Microsoft tố cáo tin tặc Trung Quốc tấn công các nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm. Tập đoàn Microsoft hôm 03/03/2021 tố cáo Trung Quốc đã tấn công tin học vào phần mềm Exchange, và các chuyên gia về bệnh nhiễm. Phó chủ tịch Microsoft Tom Burt cho biết các tin tặc thuộc nhóm « Hafnium » có tay nghề rất cao và sở hữu công nghệ hiện đại, được sự hỗ trợ của Nhà nước Trung Quốc. Tin tặc khai thác bốn lỗ hổng trong những phiên bản khác nhau của Microsoft Exchange - nay đã được vá lại - để xâm nhập vào tận hộp thư của người sử dụng.
(AFP) – Tình trạng vi phạm nhân quyền và nạn đói ngày càng nghiêm trọng ở Bắc Triều Tiên do các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch Covid-19. Hôm qua 03/03/2021, trong một báo cáo mới, Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh như trên. Theo báo cáo, Bắc Triều Tiên đã thiết lập một vùng đệm dài 1 km dọc theo biên giới với Hàn Quốc, nơi lực lượng an ninh có thể có tầm bắn vào bất kỳ ai tìm cách đào thoát.
(Reuters) – Nga kêu gọi Pháp và Đức dùng ảnh hưởng để bảo đảm Kiev không vượt lằn ranh đỏ. Điện Kremlin đưa ra lời kêu gọi ngày hôm nay 04/03/2021. Trong một cuộc họp báo trực tuyến, phát ngôn viên của tổng thống Nga, Dmitry Peskov, cho biết Matxcơva vô cùng lo ngại về hàng loạt sự cố trên đường dây liên lạc giữa quân đội Ukraina và các lực lượng ly khai thân Nga trong khu vực. Nga cũng cáo buộc quân Ukraina oanh kích và xâm nhập các khu vực họ bị cấm vào.
(Reuters) – AIEA: Đức, Pháp và Anh bỏ dự thảo nghị quyết lên án Iran.Văn bản này được dự tính đệ trình Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA lên án Iran về việc đình chỉ một số cuộc thanh tra đối với chương trình hạt nhân của Iran. Ngay lập tức, hôm nay 04/03/2021 Teheran hoan nghênh quyết định của châu Âu và cho biết quyết định của 3 nước có thể tiếp tục mở ra con đường ngoại giao do Iran và AIEA khởi xướng. Teheran cũng chấp nhận "các cuộc họp kỹ thuật" với AIEA vào đầu tháng 4/2021.
(AFP) – Nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao làm 7 người bị thương ở Thụy Điển là người nhập cư Afghanistan. Vụ tấn công xảy ra vào hôm qua 03/03/2021 tại Vetlada, một thành phố nhỏ vốn rất bình yên ở miền nam Thụy Điển. Ba người bị đâm hiện trong tình trạng nguy kịch, hai người khác bị thương nặng. Nghi phạm 22 tuổi, đến Thụy Điển vào năm 2018, đã bị cảnh sát bắn bị thương trong vụ truy bắt chiều hôm qua ở Vetlada. Thụy Điển đã hai lần trở thành mục tiêu tấn công khủng bố trong những năm gần đây, năm 2010 và 2017.
(AFP) – Tư pháp Hồng Kông tuyên án tù nhắm vào 32 trong số 47 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông. Phán quyết vừa được đưa ra vào trưa ngày 04/3/2021. 32 trong số 47 nhà dân chủ Hồng Kông bị ghép vào tội « tổ chức và tham gia biểu tình nhằm lật đổ chế độ », 15 người được trả tự do.
(AFP) - Trong vụ án Karachi, cựu thủ tướng Pháp Balladur được tha bổng. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Léotard lãnh án treo và bị xử phạt 100.000 euro. Phán quyết được đưa ra trong phiên xử ngày 04/03/2021 về vụ hai ông Edouard Balladur và François Léotard bị tình nghi nhận hoa hồng của Pakistan, trị giá hơn 10 triệu francs thời đó, để tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp của ông Balladur hồi 1995. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Lééotard cho biết sẽ đệ đơn xin phá án.
Edited by user Thursday, March 4, 2021 9:55:59 AM(UTC)
| Reason: Not specified
|