Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/26/2011(UTC) Posts: 16,743
Thanks: 6926 times Was thanked: 2765 time(s) in 1955 post(s)
|
Trọng Thành - RFI - ngày 30-03-2019
Không nam-không nữ : Cuộc cách mạng ‘‘thầm lặng’’ về giới ở Pháp
 Festival đầu tiên tại châu Á của "người xuyên giới" do cộng đồng LGBT phối hợp tổ chức, nhân 100 năm ngày sinh nhà toán học Alain Turing (một người xuyên giới), tháng 7/2012, Madurai, Ấn Độ. Wikipedia
Anh rối loạn trong cuộc Brexit ; Bellamy, nhân vật mới nổi trước kỳ tranh cử Nghị Viện Châu Âu ; Pháp trước thách thức tiếp nhận hàng trăm quân thánh chiến. Trên đây là tít lớn của tuần báo Pháp số cuối tháng 3/2019. Đặc biệt đáng chú ý có chủ đề « cuộc cách mạng thầm lặng » về giới tính trên L’OBS.
Tuần báo L’OBS với tựa đề « Ni fille, ni garçon », dành hồ sơ chính cho « cuộc cách mạng thầm lặng » trong lĩnh vực giới tính đang diễn ra, với số lượng ngày càng đông người không chấp nhận khuôn theo mô hình truyền thống. Họ tự khẳng định « không là đàn ông », cũng « không là đàn bà », như những gì mà xã hội áp đặt.
Đọc thêm : Đức công nhận giới tính thứ ba Tiếp theo cuộc cách mạng dẫn đến việc thừa nhận người đồng tính - người chuyển giới, xã hội đương đại lại đang đứng trước một thay đổi lớn. Các quy ước của xã hội khiến mỗi người sống suốt đời với chỉ một giới tính, hoặc nam - hoặc nữ (binaire), đang ngày càng không được coi là chuyện hiển nhiên, đặc biệt trong giới trẻ. Tuần báo L’OBS tìm gặp các nhân chứng.
« Hãy là chính mình ! »
Val, 20 tuổi, sinh viên tại Paris, cho đến năm 12 tuổi được sống trong bầu không khí rất ít phân biệt giới tính. Ở trường, cậu bé Val chơi nhiều hơn với các bạn gái. Ưa các trò đóng vai, hơn là bóng đá. Val không hề chịu áp lực phải trở thành con trai. Tuổi dậy thì là một cú sốc với Val, khi người bố muốn Val chơi thể thao, và yêu cầu con phải đàn ông hơn. Ở trường học, Val thường xuyên bị miệt thị là đồ ái nam, ái nữ.
Trước áp lực xã hội, Val co mình lại, tránh mọi biểu hiện có thể bị đánh giá là nữ tính, tìm mọi cách để ra dáng mày râu. Val đã sống qua suốt thời trung học như vậy, cho đến khi vào một trường sân khấu. « Em có quyền sống đúng với mình », câu nói đơn giản của một người thầy đã khiến Val tỉnh ngộ.
Cùng với các bài tập kịch, những xúc cảm tự nhiên bị chôn vùi lần lượt sống dậy. Val dần dần hiểu rằng cái gọi là « nam tính » thực ra « không phải là điều cố định, mà là một hiện thực trôi chảy và rộng mở ». Kể từ đó, Val không còn bị ức chế và câu nệ. Từ hai năm nay, Val tự coi mình là người « non-binaire / genderqueer », tức người không theo mô hình xã hội nam nữ nhị phân truyền thống (tạm dịch là người xuyên giới). Val để người tiếp xúc tùy chọn đối xử như là trai hay gái. Mẹ Val rất thông cảm khi hiểu chuyện, trong lúc người bố lại hoàn toàn không chấp nhận, nhưng Val tin tưởng trong khoảng 15 năm nữa, hiện tượng « người xuyên giới » sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, sẽ được xã hội đồng cảm nhiều hơn.
L’OBS cũng nêu trường hợp của Ana, 18 tuổi, học sinh trung học tại Nancy, sinh ra là gái. Ngay từ khi học trung học, Ana đã cảm thấy mình là đàn ông. Mẹ Ana hoàn toàn ủng hộ con sống thật với chính mình. Khi còn là học sinh, Ana thường yêu cầu các bạn nói chuyện với mình như với con trai. Tuy nhiên, đối lập giữa cơ thể phụ nữ với tính cách đàn ông dần dần biến mất, giờ đây, Ana không còn cảm thấy bị giằng xé. Ana không thích bị khuôn vào một giới tính nào. Những quy ước bó buộc của xã hội về giới tính khiến Ana phẫn nộ. Câu nói ưa thích của Ana là : « Hãy quan tâm đến nhân cách con người, chứ đừng nhìn vào bộ phận sinh dục của người ấy ».
14% không thuộc hẳn giới nào
Hiện tượng những người không phải là nam, cũng không là nữ có quy mô như thế nào trong xã hội Pháp ? Hồ sơ « Cuộc cách mạng giới tính » cho biết, theo một điều tra của YouGov (đầu năm 2019), 14% trong lứa tuổi 18 đến 44 cho biết tự coi mình là « non-binaire ». Nhiều hơn gần gấp đôi so với lớp người trên 44 tuổi (8%).
Cảm nhận về giới tính của những người « non-binaire » rất đa dạng. Có người cùng một lúc thấy mình là đàn ông và đàn bà ; hoặc khi là nam, lúc là nữ ; có người cảm thấy ở vị trí trung gian ; có người lại không cảm thấy thuộc về giới nào… Hiện tại có khá nhiều từ dùng để gọi nhóm xã hội rất đa dạng này : bigenre (lưỡng giới), intergenre (liên giới), genderfluid (giới tính trôi chảy), agenre (phi giới), neutrois (phi nam, phi nữ), pangenre (xuyên giới), androgyne (song giới), demi-boy hay demi-fille… Đồng thời cũng có hàng loạt đại từ ngôi thứ ba thay cho « il » và « elle », như : « ul », « ol », « iel », « ele » hay « ille ».
Nhiều người thuộc nhóm này muốn áp dụng mô hình giới tính « trung lập », như thành phố New York bắt đầu thực thi kể từ tháng Giêng năm nay, hoặc thậm chí xóa bỏ việc phân biệt nam, nữ trong giấy tờ. Theo L’OBS, cho dù các đề xuất nói trên có vẻ như hoang tưởng, hoặc chỉ thuộc về một bộ phận bên lề xã hội, nhưng trên thực tế, sự trỗi dậy của những người non-binaire đang thách thức chính cái cốt lõi của mô hình xã hội chủ lưu, vốn dựa nhiều trên việc đối lập nam-nữ.
Cách mạng chống trọng nam-khinh nữ ?
Việc phân biệt giới tính, dựa trên sự khác biệt về giới mang tính bẩm sinh, tưởng như là điều tự nhiên, nhưng các nghiên cứu khoa học ngày càng cho thấy : giới tính là kết quả của giáo dục trong xã hội. Nữ văn sĩ Simone de Beauvoir từng viết : người ta không sinh ra đã là phụ nữ (hay đàn ông), mà trở thành sau đó. Mà, các chuẩn mực dẫn đến sự phân biệt giới tính thường gắn liền với các quan hệ mang tính quyền lực.
Theo nhà nhân chủng học Françoise Héritier, đa số các xã hội đối lập nam – nữ cũng thường là trọng nam, khinh nữ. Chuyên gia về giới tính Karine Espineira, Đại học Paris 7, nhấn mạnh là cổ vũ cho việc làm nhòa đi sự đối kháng về giới cũng chính là chống lại chế độ phụ quyền, chống bất bình đẳng giới. Đây là một vấn đề « mang tính chính trị, hơn là bản sắc cá nhân ». Đối với Karine Espineira, đang có một « cuộc cách mạng thầm lặng » diễn ra, làm thay đổi sâu sắc quan niệm về giới tính truyền thống.
Phản bác lại ý nghĩa chính trị được đánh giá là hết sức to lớn nói trên theo quan niệm của nhiều người, nhà triết học nữ quyền Geneviève Fraisse (tác giả cuốn « Les Excès du genre ») nhấn mạnh nhiều hơn đến « sự tự chủ về kinh tế », mới chính là điều kiện chủ yếu cho phép phụ nữ nổi dậy để đòi hỏi các quyền của mình.
Dù sao, L’OBS cũng lưu ý là có rất nhiều gương mặt nổi bật trong các phong trào xã hội quan trọng hiện nay là những người « người xuyên giới », đơn cử như Emma Gonzalez, 19 tuổi, đại biểu phong trào đòi kiểm soát súng tại Mỹ, hay Anuna De Wever 17 tuổi, người Bỉ, gương mặt tiêu biểu của phong trào bãi khóa vì khí hậu. Giáo sư Bruno Perreau thuộc Viện Massachusetts đặc biệt chú ý đến việc được sống thực với chính mình trong lĩnh vực giới tính có thể giúp khơi dậy những động lực to lớn, khiến người ta có sức mạnh dấn thân trong nhiều lĩnh vực.
Hồ sơ của L’OBS khép lại với nhận xét của Oliver, trạc 40 tuổi, người sáng lập nhóm « người xuyên giới » Pháp ngữ đầu tiên trên Facebook (năm 2013), với khoảng 4.000 thành viên : « Chúng tôi không hề có ý định áp đặt ai cả. Vẫn sẽ luôn luôn có những người rất hạnh phúc với tư cách đàn ông, hoặc đàn bà. Nhưng chúng tôi mong rằng người ta sẽ không kỳ thị những ai không chịu khép mình vào khuôn khổ (giới tính do xã hội quy định). Mong sao người ta để cho họ được tìm tòi, thử nghiệm ».
|