[color=darkblue]
Để thực hiện các giáo điều, các học thuyết, các chủ trương của Nho giáo tại nước Việt, các nho sĩ, nhất là những người tham chính, với thời gian đã nắm được vai trò lãnh đạo quốc gia và đã cố gắng ảnh hưởng các vua chúa đi theo đường hướng cai trị quốc gia đặt nền tảng trên các nguyên tắc và chính sách của đạo Nho. Tuy nhiên con đường họ đi rất nhiều chông gai. Trong suốt thời gian từ khi có người Việt theo Nho học cho đến khi Nho học bị thay thế bằng Tây học, hay nói cho đúng hơn Pháp học, họ đã vấp phải nhiều trở ngại, đã trải qua nhiều giai đọan thăng trầm, khiến cho vai trò của họ trong sinh hoạt quốc gia lúc tỏ, lúc mờ. Vai trò của họ, nhất là của những nho sĩ tham chính, chỉ bắt đầu quan trọng từ thế kỷ thứ 15 trở đi thôi.
1
Giai Cấp Nho Sĩ Trong Thời Phôi Thai
(thế kỷ 3 TCN - 1075 SCN):
Chưa Có Mấy Ảnh Hưởng Trong Xã Hội
Suốt trong 14 thế kỷ đầu tiên, kể từ thời kỳ người Trung-quốc đô hộ nước Việt và du nhập văn hóa Trung-quốc nói chung và Nho học nói riêng cho đến khi có khóa thi dựa trên căn bản Nho học đầu tiên trên đất Việt vào năm 1075, tuy có nhiều người Việt thông đạt Nho học, nhưng con số người theo Nho học, nhất là những người tham chính, không được bao nhiêu.
Thực vậy, trong thời Bắc thuộc, các viên chức đô hộ Trung-quốc đã bóc lột người dân Việt một cách quá dã man, đến tận xương tận tủy. Người dân Việt ngày đêm phải lên rừng, xuống biển, tìm những đồ quí, vật hiếm, hay dầm mưa dãi nắng, đổ mồ hôi, máu mắt, cày cấy, trồng trọt để nộp cho nhà cầm quyền đô hộ. Vì thế tuyệt đại đa số người dân Việt không có thời giờ cũng như phương tiện và khả năng để đi học. Con cháu họ ai có đủ sức làm việc, không kể tuổi tác, đều được dùng vào các việc trên, nên cũng không được đi học. Đối với người dân Việt lúc bấy giờ, học là một thứ xa xỉ phẩm, quá tầm tay của họ. Học chỉ dành cho những gia đình quyền thế, giàu sang, có liên hệ với chính quyền đô hộ hoặc vốn gốc Trung-quốc. Mặt khác, nhà cầm quyền đô hộ Trung-quốc còn áp dụng chính sách ngu dân, không khuyến khích hay bắt buộc người dân Việt đi học, sợ là có học rồi họ sẽ chống đối chính quyền đô hộ nhiều hơn. Do đó, số người Việt đi học càng rất ít hơn nữa.
Ngay những người nào có thể đi học được thì họ cũng chỉ được huấn luyện đủ để làm lại thuộc trong các cơ quan đô hộ Trung-quốc thôi. Đồng thời, chính quyền đô hộ cũng chưa tổ chức thi cử để làm phương tiện tuyển chọn người có tài, có khả năng, một cách khách quan và duy nhất. Những người này được bổ nhiệm không phải do học lực và tài năng mà chỉ là nhờ đến liên hệ giữa gia đình họ và chính quyền đô hộ. Hầu như không có ai được trao cho một chức vụ quan trọng nào cả.
Chúng ta không phủ nhận là trong thời Bắc thuộc cũng có một số người hiển đạt, như Trương-Trọng, Lý-Cầm, Lý-Tiến, Khương-công-Phụ, v.v. (đã nói trong phần 3 "Giai Cấp Nho Sĩ Việt-nam"), nhưng thực ra thì cũng chỉ có lèo tèo vài người, phần lớn lại là người gốc Hoa, và họ phải sang Trung-quốc học ở cấp cao hơn. Hơn nữa, họ đều chỉ làm quan cho triều đình Trung-quốc trên đất Trung-quốc, chứ không phải ở trên đất Việt để phục vụ nước Việt và dân Việt. Ngoại lệ là Lý-Tiến, người đã được cử giữ chức thứ sử bộ Giao-châu. Chỉ tới cuối thời Bắc thuộc lần thứ tư (644-939) mới lác đác có một vài người giữ chức vụ lãnh đạo, nhưng họ đã tự đảm nhận những chức vụ lãnh đạo quốc gia trước rồi mới được triều đình Trung-quốc nhìn nhận.
Sau khi nước Việt giành lại được độc lập (năm 939), trong khoảng thời gian 136 năm đầu (939-1075), vì tình hình chính trị trong nước chưa được ổn định, có nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều cuộc nội loạn, nên vai trò của phe võ quan trọng hơn nhiều. Phe võ là những người có khả năng bảo vệ ngai vàng của dòng họ đang trị vì hay giúp một dòng họ đoạt chính quyền, cũng như duy trì trật tự an ninh trong nước.
Ngoài ra, các vương triều kế tiếp nhau cai trị nước Việt vẫn theo đường lối cũ của chính quyền đô hộ Trung-quốc. Quyền bính quốc gia cũng như các chức vụ trọng yếu đều do những người trong hoàng tộc hay có liên hệ thân thuộc với hoàng tộc, các đại công thần (hiểu là những người có công lớn đối với dòng họ đang trị vì) nắm giữ. Các quyết định của những người này mới có ảnh hưởng và có tính cách hướng dẫn, lãnh đạo. Không mấy nho sĩ, dù có thực tài, có thể chen chân vào lọt nếu họ không có ai tiến cử.
Mặt khác, vì kinh tế quốc gia chưa được phát triển sau hơn 11 thế kỷ suy sụp vì sự bóc lột của người Trung-quốc và hơn trăm năm nội chiến, giặc giã, bất an tàn phá, nên số người có phương tiện và khả năng học vẫn chưa đáng kể, tuy con số có gia tăng.
Vì những lý do đó, trong thời kỳ này công cuộc nho hóa Việt-nam phần lớn do các nho sĩ không hay chưa tham chính đảm nhận.
Họ là những người làm công việc có tính cách giáo huấn nhân dân địa phương. Người dân khi có việc thường đến với họ để xin chỉ dẫn, ý kiến, nghe những lời khuyên bảo của họ và những ý kiến, những lời khuyên bảo ấy đều dựa trên giáo điều Khổng-Mạnh. Vốn gần gũi với dân chúng nên họ hiểu dân chúng nhiều hơn. Đặc biệt là những nho sĩ dạy học. Họ có một ảnh hưởng lớn lao và sâu rộng, chẳng những là đối với đám đệ tử môn sinh của họ mà còn cả đối với các phụ huynh, thân thích, bạn bè, hàng xóm láng giềng nữa. Lâu dần ảnh hưởng của họ đã nâng cao vai trò của nho sĩ trong xã hội, đã đặt họ lên hàng thứ hai trong trật tự "quân, sư, phụ " 君師父.
Nói cách khác, trong giai đoạn này (cũng như trong các thời kỳ sau), dạy học được coi là phương tiện trọng yếu nhất để nho hóa xã hội Việt.
Ngược lại, vì số nho sĩ tham chính không đáng kể nên Nho giáo không có ảnh hưởng gì mấy đối với triều đình sau khi nước nhà độc lập. Thời gian 939-1075 có thể nói là thời thịnh trị của các người không phải là nho sĩ, nhất là của Phật đồ.
Thực vậy, Phật giáo đã du nhập nước Việt vào thế kỷ thứ 1 SCN và đã phổ cập trong dân gian nhiều hơn Nho giáo và Lão giáo. Việc văn hóa trong nước hầu như nằm trong tay các tu sĩ Phật giáo. Từ sau khi giành được độc lập năm 939, trong thời các vương triều Ngô, Đinh, Tiền-Lê, và ngay cả sau này trong thời hai vương triều Hậu-Lý và Trần, Phật giáo được triều đình trọng đãi nên đã giữ một địa vị ưu thế trong triều đình cũng như ngoài dân gian.
Sử chép rằng năm 971, sau khi Đinh-bộ-Lĩnh 丁部嶺 dẹp yên loạn Thập Nhị Sứ Quân 十二使君 và lên ngôi hoàng đế, tức Đinh Tiên-hoàng 丁先皇 (tại vị năm 968-979), nhà vua đã ấn định giai cấp văn võ cùng là triệu các tăng sĩ Phật giáo lỗi lạc vào Thái miếu 太廟 và định phẩm trật cho họ: Tăng thống Ngô-chân-Lưu 僧統吳真流 được ban hiệu Khuông-Việt đại sư 匡越大師, Trương-ma-Ni 張麻尼 làm Tăng lục 僧錄, đạo sĩ Đặng-huyền-Quang 道士鄧玄光 làm Sùng chân uy nghi 崇真威儀 [1]. Còn vua Lê Đại-hành 黎大行 (tại vị năm 980-1005) thì thường triệu các vị tăng thống vào triều để hỏi việc chính trị, ngoại giao, quân sự, cũng như Phật sự, để tiếp đón sứ giả Trung-quốc, hoặc cử các tu sĩ sang Trung-quốc thỉnh kinh, v.v. Chỉ có vào đời Lê-long-Đĩnh 黎龍鋌, tức Ngọa triều hoàng đế 臥朝皇帝 (tại vị năm 1005-1009), nhà vua tính bạo ngược, thích giết người, có khi bắt sư rồi lấy mía để lên đầu mà róc vỏ, thỉnh thoảng giả vờ lỡ tay bổ dao xuống đầu sư cho chảy máu mà vui cười. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động của một cá nhân, dù cá nhân đó là một quân vương, chứ không phải là chính sách bách hại Phật giáo của triều đình.
Cũng vì trong thời gian này giới nho sĩ chưa có ảnh hưởng mấy cho nên chúng ta không thấy có những hành động nào của họ đáng kể trong nỗ lực nho hóa nước Việt của họ. Sử sách chỉ ghi chép có mấy việc sau:
Thứ nhất, chế định triều nghi, phẩm phục năm 939 thời nhà Ngô.
Thứ hai, qui định cấp bậc văn võ năm 971 thời nhà Đinh (vừa nói bên trên).
Thứ ba, định luật lệnh năm 1002 thời nhà Tiền-Lê.
Thứ tư, đổi lại quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo năm 1006 cũng thời nhà Tiền-Lê.
Những việc này tuy mang ảnh hưởng của văn hóa Trung-quốc nói chung và Nho giáo nói riêng, nhưng tất cả chỉ là những việc có ảnh hưởng tới triều cương thôi, ngoại trừ việc định luật lệnh năm 1002. Tuy nhiên, vì các luật lệnh này đã mất từ lâu và vì các tài liệu đề cập tới các luật lệnh này lại không cho rõ những luật lệnh này là những gì, nên không thể tìm hiểu được dấu vết của Nho giáo (có lẽ có) cùng là ảnh hưởng của chúng trong dân gian.
2
Giai Cấp Nho Sĩ Trong Thời Hình Thành
(1075-1407):
Chỉ Giữ Vai Trò Thứ Yếu
Ngay cả trong thời hình thành của giai cấp nho sĩ, mặc dù triều đình đã tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài, tình hình cũng chưa được cải thiện nhiều, nhất là trong hai thế kỷ 11 và 12. Trong ngót bốn trăm năm, kể từ khi có khóa thi thứ nhất 1075 đến khi nhà Hồ (1400-1407) sụp đổ, có mấy sự kiện quan trọng có ảnh hưởng nhiều tới vai trò của các nho sĩ, nhất là những người tham chính.
I. Số Kỳ Thi Tổ Chức Quá Ít và Không Đều Đặn
Theo sử sách, trong suốt 215 năm triều Hậu-Lý chỉ có 7 kỳ thi được tổ chức. Đó là các khóa thi năm 1075, 1086, 1152, 1165, 1185, 1193 và 1195. Những khóa thi này nhằm mục đích tuyển người ra làm quan. Ngoài ra, cũng nên kể thêm khóa thi năm 1077 để tuyển lại viên 吏員 (tức nhân viên cấp hành chính). Như vậy, trong 150 năm, kể từ khi có khóa thi đầu tiên cho đến hết thời nhà Hậu-Lý (năm 1225), tính trung bình cứ 21 năm mới có một khóa thi, và nếu kể cả khóa thi lại viên thì trung bình là 19 năm.
Mặt khác, khoảng cách giữa hai khóa thi không đều: 2 năm (giữa hai khóa 1193 và 1195, hay giữa hai khóa 1075 và 1077 nếu kể cả khóa thi lại viên), 8 năm (giữa hai khóa 1185 và 1193), 11 năm (giữa hai khóa 1075 và 1086), 13 năm (giữa hai khóa 1152 và 1165), 20 năm (giữa hai khóa 1165 và 1185) và 66 năm (giữa hai khóa 1086 và 1152).
Khoảng cách giữa khóa thi cuối cùng của nhà Hậu-Lý năm 1195 và khóa thi đầu tiên vào thời nhà Trần năm 1232 là 37 năm.
Nhà Trần, trong 175 năm cai trị nước Việt, đã tổ chức 13 khóa thi thái học sinh 太學生 (tức tiến sĩ 進士) vào các năm 1232, 1239, 1247, 1256, 1266, 1275, 1304, 1314, 1345, 1347, 1381, 1383 và 1393. Tính trung bình cứ hơn 12 năm có một khóa thi.
Khoảng cách giữa hai khóa thi có thể là 3 năm (giữa hai khóa 1381 và 1384), 7 năm (giữa hai khóa 1232 và 1239, hay 1374 và 1381), 8 năm (giữa hai khóa 1239 và 1247), 9 năm (giữa hai khóa 1247 và 1256, hay 1266 và 1275, hoặc 1384 và 1393), 10 năm (giữa hai khóa 1256 và 1266, hay 1304 và 1314), 25 năm (giữa hai khóa 1275 và 1304), 29 năm (giữa hai khóa 1245 và 1374), hay 31 năm (giữa hai khóa 1314 và 1345). Nếu kể cả các khóa thi loại khác như thi lại viên (các năm 1228, 1261, 1304, 1363, 1373 và 1393), thi tam giáo 三教 (các năm 1227 và 1247), thi các tăng nhân 僧人 (năm 1321), thi chọn nho sinh cho vào chầu hậu (năm 1236), thi con các quan văn (năm 1295), thi các sĩ văn để sung vào các quán 館 hay các 閣 (năm 1363), v.v., thì tổng cộng có 25 khóa thi trong đời Trần, với trung bình 7 năm có một khoá thi.
Sau hết, tuy nhà Hồ chỉ cai trị nước Việt 7 năm nhưng cũng tổ chức được một khóa thi năm 1404. Khoảng cách giữa khóa thi này và khóa thi cuối cùng năm 1393 thời nhà Trần là 11 năm.
Nói tóm lại, trong 397 năm nước Việt dưới quyền cai trị của ba vương triều Hậu-Lý, Trần và Hồ có tất cả 21 khóa thi, với trung bình 19 năm một khóa thi. Nếu tính cả các loại khác thì có tổng cộng 34 khóa thi, trung bình ngót 12 năm một khoá.
II. Số Thí Sinh Lấy Đỗ Không Nhiều
Mặt khác, số các thí sinh lấy đỗ trong các khóa thi dưới ba vương triều này cũng không được nhiều.
Thời Hậu-Lý, khóa 1075 lấy 10 người đỗ, khóa 1185 lấy 30 người, nhưng không phải là để làm quan ngay mà là để lên kinh học. Còn các khóa khác lấy bao nhiêu người đỗ thì sử sách không nói rõ.
Sử sách cũng không nói rõ số các thí sinh được lấy đỗ trong thời nhà Trần. Về hai khóa thi năm 1232 và 1239, Toàn Thư chỉ kể tên ba người đỗ đệ nhất giáp 第一甲, đệ nhị giáp 第二甲, và đệ tam giáp 第三甲 của mỗi khóa. Các khóa năm 1247 lấy 51 người đỗ, hai khóa năm 1256 và 1266 mỗi khóa lấy 47 người, khóa năm 1304 lấy 44 người, và các khóa năm 1275, 1384 và 1393 mỗi khóa lấy 30 người. Còn các khóa khác thì không thấy nói tới, tuy có lúc Toàn Thư nói rằng trước năm 1374 mỗi khóa lấy 30 người đỗ (Bản Kỷ, q. 7, tờ 42a).
Nếu tính trung bình cứ mỗi khóa lấy 30 người đỗ thì trong 175 năm triều Trần với 13 khóa thi chúng ta có tổng cộng 390 người được lấy đỗ. Trái lại, đối với 6 khóa thi mà chúng ta không rõ số người thi đỗ, nếu chúng ta cứ giả thiết mỗI khóa cũng có 30 người được lấy đỗ, rồi đem cộng với những con số chúng ta biết rõ đã nói bên trên thì tổng số thí sinh lấy đỗ có thể là 459 người.
Tuy nhiên, dù là 390 người hay 459 người trong 175 năm thì cũng vẫn là ít nếu đem so với số 170 người được lấy đỗ trong chỉ có một khóa thi thời nhà Hồ.
Mặt khác, vì không có tài liệu nào nói rõ số người tham dự mỗi khóa thi nên chúng ta cũng không thể tính tỷ lệ những người lấy đỗ trên tổng số các thí sinh mỗi khóa cả.
III. Rất Ít Nho Sĩ Được Giữ Các Chức Vụ Quan Trọng
Hơn nữa, ngoại trừ một tối thiểu số nho sĩ trúng tuyển được đặt vào chức vụ cao [2], đại đa số chỉ được giữ các chức vụ nhỏ thôi, còn các chức vụ quan trọng, có tính cách quyết định, vẫn nằm trong tay các hoàng thân quốc thích, hay các người có công với vương triều đương thời.
Dưới triều Trần còn có một hiện tượng đặc biệt đáng chú ý. Để tránh cho ngai vàng khỏi lọt vào tay người ngoài họ [3], nhà Trần một mặt tập trung các chức vụ lãnh đạo trong tay các hoàng thân, những người mang tước vương, đại vương, và mặt khác, bảo đảm ngai vàng bằng phương thức là mỗi vị vua sau khi trị vì một thời gian lại nhường ngôi cho con, em, trong lúc mình còn sống và giữ chức thái thượng hoàng [4]. Phần lớn các người giúp việc cho vua này vẫn được giữ lại sau khi vua thoái vị. Ít khi có một nho sĩ nào lọt vào chức vụ lãnh đạo hay nắm giữ quyền bính trong tay.
IV. Uy Thế của Phật Giáo Rất Cao
Một yếu tố quan trọng khác đã ngăn chặn ảnh hưởng của nho sĩ là uy thế của Phật giáo. Nói một cách chung, các vua Hậu-Lý và Trần đã hấp thụ nền giáo dục và chịu ảnh hưởng của Phật giáo rất nhiều.
Như đã nói ở phần 3, “Giai Cấp Nho Sĩ Việt-nam”, Lý-công-Uẩn, tức vua Lý Thái-tổ, người khai sáng vương triều Hậu-Lý, khi còn nhỏ đã theo học ở chùa Lục-tổ (còn gọI là chùa Cổ-pháp), sau làm quan đến chức Điện tiền chỉ huy sứ 殿前指揮使 trong triều đình nhà Tiền-Lê. Khi hoàng đế Lê-long-Đĩnh chết, ông đã được nhóm ông Đào-cam-Mộc 陶甘沐 trong triều và tăng thống Vạn-hạnh 萬行 tôn làm vua. Sau khi lên ngôi, nhà vua trọng dụng và ưu đãi các nhà lãnh đạo Phật giáo, nhất là thiền sư Vạn-hạnh, ban phẩm phục cho các hàng tăng sĩ, sai sư sang Trung-quốc thỉnh kinh, xây chùa, v.v.
Mặc dù năm 1070 vua Lý Thánh-tông, với ý định khai hóa văn học đã cho lập Văn miếu, làm tượng Châu-công Cơ-Đán, Khổng-tử, tứ phối, và 72 tiên hiền để thờ, mở đầu cho việc thờ Khổng-tử và chư hiền ở Đại Việt, nhưng vua và các vua kế nghiệp vẫn tôn sùng đạo Phật. Có vị lại còn bỏ ngai đi tu: đó là trường hợp vua Lý Huệ-tông 李惠宗 (sinh năm 1194, tại vị năm 1211-1224, mất năm 1226), sau khi truyền ngôi cho con gái còn nhỏ tuổi (7 tuổi) là công chúa Chiêu-thánh 昭聖公主, tức bà Lý Chiêu-hoàng 李昭皇 [5], đã vào tu ở chùa Chân-giáo 真教禪寺 trong đại nội, hiệu là Huệ-quang đại sư 惠光大師.
Nhiều tăng sĩ cũng được phong làm quốc sư, như: thiền sư Minh-không 明空 (tục danh Nguyễn-chí-Thành 阮至誠, không rõ năm sinh, mất năm 1141) và thiền sư Thông-biện 通辯 (không rõ tục danh, chỉ biết là họ Ngô 吳) đời vua Lý Thần-tông 李神宗 (tại vị năm 1127-1138), thiền sư Viên-thông 圓通 (tục danh Nguyễn-Ức 阮憶) đời vua Lý Anh-tông 李英宗 (tại vị năm 1138-1175), v.v.
Triều Trần cũng không kém. Nhà Trần thiên về Phật giáo rất nhiều mà bằng chứng là việc thành lập phái thiền Trúc-lâm Yên-tử 安子竹林單派 với tổ đệ nhất là vua Trần Nhân-tông 陳仁宗 (sinh năm 1258, tại vị năm 1278-1293, mất năm 1308), tổ đệ nhị là tôn sư Pháp-loa 法螺 (họ Đồng 童, không rõ tục danh, năm sinh và mất, chỉ biết thọ 47 tuổi), tổ đệ tam tôn sư Huyền-quang 玄光 (họ Lý 李, không rõ tục danh; 1254-1334), tổ đệ tứ vua Trần Minh-tông 陳 明宗 (sinh năm 1300, tại vị năm 1314-1329, mất năm 1357). Ngoài ra, hầu hết các vua, kể từ vua Trần Thái-tông 陳太宗 (sinh năm 1218, tại vị năm 1225-1258, mất năm 1277) trở đi, sau khi thoái vị đều đi tu ở các chùa.
Ảnh hưởng của Phật giáo ở đời Trần mạnh đến nỗi R.B. Smith đã nói nước Đại Việt dưới triều Trần là một quốc gia quân chủ mang tính cách Phật giáo hơn là Khổng giáo [6]. Nhận xét này rất chính xác.
Mặc dù Phật giáo đã thịnh và giữ được địa vị độc tôn từ thời nhà Đinh qua thời nhà Tiền-Lê tới thời nhà Hậu-Lý, và tuy các vị vua của ba vương triều này đều mộ đạo, trọng đãi các tăng sĩ, nhưng không có ai làm vẻ vang đạo Phật cùng là góp công vào việc truyền bá đạo này trong dân gian để được lưu truyền đến hậu thế cho bằng các vua Trần. Thực vậy, các vua trước nhà Trần chỉ có tham cứu, học hỏi đạo Phật thôi, chứ không ai sáng tác những sách giảng giải giáo lý nhà Phật như vua Trần Thái-tông với các sách Thiền Tông Chỉ Nam 單宗旨南 (giãi bày đạo lý tu thiền), Khóa Hư Lục 課虛錄 (nói rõ về cái khổ của sinh, lão, bệnh, từ và phá tan các tính cố chấp, thành kiến của thế gian), Kim-cương Kinh Sớ 金綱經疏 (chú giải bình luận về kinh Kim-cương); vua Trần Nhân-tông với các bài kệ ý nghĩa thâm trầm; Tuệ-trung thượng sĩ 慧忠上士 [7] với những giảng dạy giáo lý đạo Phật một cách phiêu dật, phóng khoáng, không câu nệ, cố chấp.
Chỉ tới cuối thời nhà Trần vai trò của nho sĩ mới bắt đầu nổi bật lên được. Đó là vì vào thờI kỳ này các tăng sĩ Phật giáo đã làm lạc mất đạo gốc, biến đạo thành một thứ tôn giáo mê tín pha lẫn với tà giáo, với những cúng cấp, phù chú, khiến cho các nhà thuần nho phải lên tiếng bài xích, khởi đầu cho sự hưng thịnh của giai cấp nho sĩ

.
3
Giai Cấp Nho sĩ Trong Thời Hưng Thịnh
(1427-1527):
Đoạt Được Địa Vị Độc Tôn
Phải từ thế kỷ thứ 15 trở đi, nhất là từ hậu bán thế kỷ này, giai cấp nho sĩ mới được giữ vai trò ảnh hưởng quan trọng trong triều đình.
Tuy nhiên, trong những năm đầu triều Hậu-Lê (1428-1788), ảnh hưởng của nho sĩ tuy đáng kể nhưng vẫn chưa được mạnh lắm, nhất là vì trong khoảng thời gian 1428-1460 đã có những sự xung đột giữa các đại thần võ quan và các văn thần. Trong các cuộc xung đột này phe đại thần võ quan đã nắm phần ưu thế. Ngoài ra, còn phải kể đến một yếu tố mới và quan trọng khác nữa đã xuất hiện kể từ nhà Hậu-Lê trở về sau: yếu tố địa phương.
Trong thời kỳ này, các đại thần Hậu-Lê phần lớn là những quan võ gốc Thanh-hóa, quê của Lê-Lợi 黎利, tức Lê Thái-tổ 黎太祖 (tại vị năm 1428-1433).
Thanh-hóa là một tỉnh biên cảnh nước Đại Việt mới được phát triển trong cuộc Nam tiến của dân Việt và hãy còn mang nhiều sắc thái cùng tính chất biên cương, chưa chịu nhiều ảnh hưởng thuần hóa của Nho giáo. Nho giáo được truyền bá nơi đây rất muộn. Một thí dụ cụ thể là trong số 40 thí sinh trúng tuyển khóa thi năm 1463 đời vua Lê Thánh-tông 黎聖宗 (tại vị năm 1460-1497), nghĩa là 35 năm sau khi vai trò của địa phương này nổi bật trên chính đàn quốc gia bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt do Lê-Lợi lãnh đạo đánh đuổi chính quyền đô hộ Minh (1407-1427), chỉ có 5 người gốc Thanh-hóa, tức 12.5%, còn 35 người kia đều gốc Bắc.
Do đó, vì đầu óc địa phương, các đại thần võ quan không muốn để cho quyền bính quốc gia lọt vào tay đám văn quan nho sĩ mà tuyệt đại đa số là người gốc Bắc. Điển hình cho sự xung đột này là vụ án Lệ-chi Viên 荔枝園 (hay Vườn Vải, thuộc xã Đại-lại, huyện Gia-định -- sau đổi là huyện Gia-bình, nay là một phần huyện Gia-lương -- tỉnh Bắc-ninh) năm 1442 liên quan đến Nguyễn-Trãi 阮廌, một đại công thần nhà Hậu-Lê, và ái thiếp của ông là Nguyễn-thị-Lộ 阮氏路.
Nguyễn-Trãi (1380-1442) là một nho sĩ, đỗ thái học sinh năm 1400. Phụ thân ông là bảng nhãn Nguyễn-ứng-Long 阮應龍 (sau đổi tên là Nguyễn-phi-Khanh 阮飛卿) và mẫu thân là Trần-thị-Thái 太, con gái lớn của Trần-nguyên-Đán 陳元旦, người tôn thất nhà Trần (con trai thứ của vua Trần Minh-tông).
Sau khi nhà Hồ bị quân xâm lăng Minh bên Trung-quốc lấy danh nghĩa phù trợ nhà Trần đã bị nhà Hồ cướp ngôi sang lật đổ, Nguyễn-Trãi theo phò Lê-Lợi. Từ năm 1417 (có thuyết nói là năm 1420), ông đã theo giúp Lê-Lợi đánh đuổi chính quyền đô hộ Minh. Mới đầu ông được dùng với chức Hàn-lâm viện thừa chỉ học sĩ 翰林 院承旨學士. Sau vì lập được nhiều công rất lớn, nhiều lần bàn mưu lập kế, vạch chiến lược, định chiến thuật đánh quân Minh, giao thiệp và dụ hàng chúng, nên năm 1427 ông được dùng làm Triều-liệt đại phu nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư, kiêm hành Xu-mật viện sự 朝列大夫入內行遣, 吏部尚書, 兼行樞密院事 và năm sau (1428) ông được ban tước Quan-phục hầu 冠服侯 cùng quốc tính Lê.
Sự tín nhiệm của hai vua Lê là Thái-tổ và Thái-tông 太宗 (tại vị năm 1434-1442) nơi ông -- một người không thuộc hoàng tộc (đối với nhà Hậu-Lê), không cùng quê quán (ông sinh ở Thăng-long đất Bắc) và cũng không thuộc phe võ như các đại thần (dù ông đã làm quân sư cố vấn cả về quân sự cho Lê-Lợi) -- đã như một cái gai trước mắt các đại thần, buộc họ phải nhổ đi.
Dịp may cho bọn chúng đến khi vua Lê Thái-tông đã chết ở Vườn Vải, mà chúng vu là lúc vua chết có Nguyễn-thị-Lộ hầu hạ bên cạnh. Mượn việc này, chúng đã làm tội hai vợ chồng ông và tru di cả ba họ ông, tuy vụ này có nhiều uẩn khúc, không minh bạch.
Vụ án Nguyễn-Trãi và Nguyễn-thị-Lộ không thể coi là một vụ án tình tay ba thông thường, liên quan đến Lê Thái-tông, Nguyễn-Trãi và Nguyễn-thị-Lộ (nhiều người cho rằng bà là con rắn đã bị người nhà Nguyễn-Trãi khi xưa giết lầm nên hiện ra để báo thù gia đình ông) như rất nhiều người vẫn nghĩ và viết về vấn đề này, mà phải nhìn nó dưới khía cạnh của một cuộc tranh chấp quyền hành và ảnh hưởng giữa hai phe quan văn và quan võ, hay, nói cho đúng hơn, giữa các văn quan nho sĩ và võ quan đại thần không theo học cửa Khổng.
Sự kết án tử hình và tru di tam tộc Nguyễn-Trãi năm 1442 có thể coi là một sự thất bại nặng nề của giới nho sĩ. Ngoài ra, có thể nói được là sự thất bại của giới nho sĩ đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước vụ án Vườn Vải.
Thực vậy, ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái-tổ bắt đầu sinh lòng đố kỵ đốI vớI những người có công giúp nhà vua đánh đuổi chính quyền đô hộ Minh, nhất là những người không phải gốc Thanh-hóa, nên đã nghe lời xàm tấu của bọn võ quan đại thần, nhất là Lê-Sát 黎察 (người Thanh-hóa), mà giết hại hay bách hại một số đại công thần. Do đó, ba đại công thần không phải là người gốc Thanh-hóa và cũng không phải là người thuộc dòng họ Lê (mặc dù cả ba đều được ban quốc tính Lê), đã trở thành nạn nhân: Trần-nguyên-Hãn 陳元扞, Phạm-văn-Xảo 范文巧 và Nguyễn-Trãi.
Năm 1429 vua nghe lời xàm tấu vu oan của bọn võ quan đại thần cho bắt tả tướng quốc Trần-nguyên-Hãn, cháu nội của Trần-nguyên-Đán (và là anh em con cô con cậu với Nguyễn-Trãi). Trần-nguyên-Hãn có học thức và rất giỏi về binh pháp. Từ khi theo Lê-Lợi, ông đã tham dự rất nhiều trận chiến và lập được nhiều chiến công, nên được Lê-Lợi hậu đãi, và được tham dự bàn những việc bí mật. Sau khi thắng quân Minh, ông được dùng làm tả tướng quốc 左相國 và cũng được ban quốc tính Lê cùng ngày với Nguyễn-Trãi.
Dù vậy, ông có lần nói riêng với người thân tín rằng vua Lê Thái-tổ có tướng như Việt-vương Tự Câu-tiễn越王姒勾踐 [9], nên không thể sống yên ổn được lâu. Sau đó ông xin về hưu. Tuy vua Lê Thái-tổ chấp thuận, nhưng vẫn nghi kỵ, vì dù sao ông cũng là dòng dõi nhà Trần. Khi về hưu ở ấp Sơn-đông (thuộc huyện Lập-thạch tỉnh Vĩnh-phúc ngày nay), ông đã xây dựng phủ đệ, đóng thuyền mà không chút dè dặt, đề phòng. Vì vậy có nhiều kẻ gièm pha với vua là ông mưu toan làm phản. Lê Thái-tổ tin lời và ra lệnh cho người đến bắt mang về xét hỏi. Khi thuyền đến bến Sơn-đông, ông nhảy xuống sông tự tử.
Hai năm sau (1431) đến lượt Phạm-văn-Xảo là nạn nhân.
Phạm-văn-Xảo cũng đi theo Lê-Lợi vào khoảng thời gian với Trần-nguyên-Hãn và Nguyễn-Trãi. Ông là người trội cả về tài lẫn trí, nên rất được Lê-Lợi tin dùng. Ông đã từng cầm quân đi đánh dẹp, lập được nhiều chiến công hiển hách, và nhất là năm 1427 đã đánh bại hai tướng Minh là Đô-ti Vương An-lão 都司王安老 và Kiềm-quốc công Mộc-Thịnh 鈐國公沐晟 [10], nên được làm Xu mật sứ 樞密使 (người Việt-nam quen đọc là Khu mật sứ) và năm 1428 được dùng làm thái úy 太尉 (có tài liệu nói ông mới đầu được phong làm thái bảo 太 保, sau được gia phong làm thái úy) và cũng được ban quốc tính Lê.
Sau khi vua Thái-tổ ở ngôi được vài năm, nhà vua thì tuổi đã cao mà lại nhiều bệnh tật, con trưởng là Lê-tư-Tề 黎思齊 thì ngông cuồng càn bậy [11], con thứ hai là thái tử Lê-nguyên-Long 黎元龍 (tức vua Lê Thái-tông) thì hãy còn thơ ấu (sinh năm 1423), trong khi đó thì Phạm-văn-Xảo lại là người kinh lộ (tức người Bắc), có danh vọng đối với mọi người, nên Lê Thái-tổ sợ có ngày không kìm chế được ông, do đó đem lòng nghi kỵ tuy bề ngoài vẫn đối xử theo lễ tiết. Bọn Trình-hoành-Bá 程宏伯 và Lê-quốc-Khí 黎國器 (cháu ruột của vua) đón biết ý vua, muốn tâng công, bèn dâng mật sớ cáo rằng Phạm-văn-Xảo âm mưu làm việc trái phép, khuyên vua giết đi (Toàn Thư, Bản Kỷ Thực Lục, q.11, tờ 5a-5b). Vua tin lời, bắt Phạm-văn-Xảo phải chết và tịch thu tất cả tài sản.
Nạn nhân thứ ba là Nguyễn-Trãi. Tuy ông tổ đời thứ nhất của Nguyễn-Trãi là Nguyễn-Bặc 阮匐 gốc người Thanh-hóa (ở Gia-miêu ngoại trang, nay là xã Hà-long thuộc huyện Trung-sơn, tỉnh Thanh-hóa), nhưng khi theo Đinh-bộ-Lĩnh dẹp Loạn Thập Nhị Sứ Quân (năm 945-967), ông Nguyễn-Bặc đã đặt căn cứ hành quân ở núi Hun (tức Côn-sơn), thuộc xã Chi-ngại, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương, nên tại đây phát sinh một chi họ truyền đến đời thứ 11 là Nguyễn-Trãi. Vì thế Nguyễn-Trãi không được coi là người Thanh-hóa. Hơn nữa, Nguyễn-Trãi là quan văn, chứ không phải là quan võ.
Năm 1429 Nguyễn-Trãi cũng bị Lê Thái-tổ cho bắt giam một thời gian, có lẽ vì ông có liên hệ gia tộc với Trần-nguyên-Hãn.
Chúng ta phải đợi tới đời vua Lê Thánh-tông, người đã ổn định được tình hình chính trị trong nước, mới thấy lần đầu tiên các quyền hành trong nước hoàn toàn lọt vào tay nho sĩ.
Được như vậy là nhờ nhà vua trước khi lên ngôi đã thụ huấn nơi các nho sĩ danh tiếng. Lại nữa, nhà vua được tôn phù lên ngôi báu là nhờ sự liên kết giữa các nho sĩ và một số đại thần không thuộc thế hệ Lê-Lợi (như: Nguyễn-Xí 阮熾, Đinh-Liệt 丁列, v.v.) sau vụ Lê Nghi-Dân 黎宜民, tức Lạng-sơn vương 諒山王, con của vua Lê Thái-tông và anh của vua Lê Nhân-tông 黎仁宗 (1442-1459). Nguyên Nghi-Dân trước đã được phong làm thái tử, nhưng sau vì mẹ phải tội nên bị phế đi. Năm 1459, Nghi-Dân đồng mưu với bọn Lê-đắc-Ninh 黎得寧, Phạm-Truân 范屯 [12], Phan-Ban 潘般, Trần-Lăng 陳陵, giết vua Nhân-tông và hoàng thái hậu Tuyên-từ 宣慈皇太后, rồi tự xưng làm vua, nhưng chỉ được 8 tháng thì bị nhóm Nguyễn-Xí, Đinh-Liệt bắt giết và tôn vua Lê Thánh-tông lên ngôi.
Mặt khác, các khóa thi từ đây đã được tổ chức nhiều hơn và đều đặn hơn. Từ năm 1463 trở đi, cứ 3 năm triều đình cho mở một khóa thi và cứ năm trước thi hương thì năm sau thi hội và thi đình. Trong khoảng thời gian 51 năm (1463-1514) từ khi có lệ thi này đã có tới 18 khóa thi. Số người trúng tuyển nhờ vậy đã gia tăng rất nhiều: tổng cộng 1816 người, trung bình 110 người một khóa. Đây là một sự kiện đáng kể.
Ngoài ra, để biểu dương sự học và khuyến khích người học, nhà vua thường đích thân làm chủ các kỳ thi đình với mục đích làm cho các khóa thi thêm phần long trọng. Hơn nữa, nhà vua còn đặt ra lệ xướng danh các tiến sĩ, lệ vinh qui 榮歸, tức là rước người thi đậu trạng nguyên 狀元 về nguyên quán (từ năm 1467), lệ ban yến và thưởng mũ áo cho các tiến sĩ tân khoa (từ năm 1486), lệ khắc tên các tiến sĩ mỗi khoa vào một tấm bia đá dựng ở Văn miếu trong thành Thăng-long, v.v. Triều đình còn trọng dụng các người trúng tuyển.
Vì thế số người theo học càng ngày càng tăng. Phẩm chất của các nho sĩ cũng cải tiến nhiều, vì triều đình đã loại bỏ những kẻ không có tư cách. Ngoài ra, các kẻ bất hiếu bất mục, con cháu bọn phản loạn, con cháu những người làm nghề ca xướng, v.v., đều không được phép dự thi. Triều đình còn bắt buộc các người làm quan không xuất thân khoa bảng phải dự các kỳ thi. Đấy là chưa kể từ đời vua Lê Hiến-tông 黎憲宗 (tại vị năm 1497-1504) các xã trưởng được phép đề cử sĩ nhân trong xã đi thi hương: xã lớn được cử 20 người, xã trung bình 15 người, xã nhỏ 10 người.
Mặt khác, đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ 15, đời vua Lê Thánh-tông, các nho sĩ đã nắm được nhiều chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị quốc gia. Nhờ đó họ đã thi hành được một số cải cách cơ cấu chính quyền, như:
1.- Trao cho lục bộ 六部 (các bộ Lại, Lễ, Binh, Hình, Hộ và Công) và lục khoa 六科 (các khoa Lại, Lễ, Binh, Hình, Hộ và Công), tức là các cơ quan hành chính trung ương, nhiều quyền hành hơn [13].
2.- Đề cao vai trò của lục bộ cùng là Hàn-lâm viện, một cơ quan đã cung cấp cho họ nhiều chức viên để thi hành các kế hoạch cải cách của họ.
3.- Đặt thêm lục tự 六寺 là Đại-lý tự 大理寺, Thái-thường tự 太常 寺, Quang-lộc tự 光祿寺, Thái-bộc tự 太僕寺, Hồng-lô tự 鴻臚寺 và Thượng-bảo tự 尚寶寺 với các chức quan điều khiển như: Tự khanh 寺卿, Thiếu khanh 少卿, và Tự thừa 寺承.
4.- Cho các quan văn võ hưởng lợi (như: ruộng đất và tiền tuế bổng).
5.- Đặt chức quan giám sát ngự sử 監察御史, v.v.
Họ cũng định quan chế, nhấn mạnh nhiều vào việc tuân giữ các lễ nghi cổ truyền Nho giáo, kể cả thời kỳ cư tang cũng như việc hiến tế trong nghi thức phụng tự Khổng-tử. Đi xa hơn nữa, họ còn giới hạn cả số chùa Phật giáo (như năm 1461 cấm không cho làm chùa mới), cũng như là hạn chế các tiếp xúc của các tăng đạo với nhân dân (thí dụ năm 1460 cấm các tăng đạo không được qua lại với nhân dân trong thành), v.v.
Về phương diện văn học, các nho sĩ đã đóng góp rất nhiều vào việc hướng dẫn quốc gia dân tộc đi theo chiều hướng Nho giáo trong đời sống quốc gia cũng như cá nhân. Việc làm của họ rất nhiều. Xin kể vài thí dụ:
Năm 1495 vua Lê Thánh-tông đã lập hội Tao-đàn 騷壇 gồm có 28 văn thần tham dự (thường gọi là Tao-đàn nhị thập bát tú 騷壇二十 八宿), cùng nhau bàn bạc sách vở, xướng họa thơ văn và phê bình văn học. Nhà vua làm Tao-đàn nguyên súy 騷壇元帥, các ông Thân-nhân-Trung 申仁中, Đỗ-Nhuận 杜潤 làm phó nguyên súy 副元帥 và Lương-thế-Vinh 梁世榮 làm sái phu 灑夫. Hội đã sáng tác nhiều thi văn phẩm còn được lưu truyền đến ngày nay.
Ngoài ra, hai tác phẩm quan trọng nhất được thực hiện trong đời vua Lê Thánh-tông là bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập 天南餘暇集 và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大越史記全書.
Bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập do Thân-nhân-Trung và Đỗ-Nhuận biên soạn, gồm 100 quyển nói về các luật lệ trong niên hiệu Hồng-đức (1470-1497) đời vua Lê Thánh-tông cũng như là các thơ văn của hội Tao-đàn (trong đó có Quỳnh-uyển Cửu Ca Thi Tập 瓊苑九歌詩集, gồm các bài thơ ngự chế của vua và các bài phụng họa của các quan trong hội Tao-đàn nói về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn, v.v.; và Minh Lương Cẩm Tú 明良錦繡, cũng gồm những bài thơ ngự chế của vua làm nói về cảnh quê hương gấm vóc vua thấy được trong lúc vua thân chinh đi đánh Chiêm-thành năm 1470-1471, và thơ phụng họa của các hội viên Tao-đàn).
Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn-thư do Ngô-sĩ-Liên biên-soạn (1479), là bộ chính sử gồm 2 phần: (a) Ngoại Kỷ Toàn Thư 外紀全書, 5 quyển, ghi chép các sự việc, biến cố, nhân vật từ thời nhà Hồng-bàng (2879-258 TCN) tới thời Thập Nhị Sứ Quân (945-967); và (b) Bản Kỷ Toàn Thư 本紀全書, 10 quyển, từ vua Đinh Tiên-hoàng đến Lê Thái-tổ. Bộ sử này rất quan trọng vì ngoài việc trình bày các dữ kiện lịch sử trong các triều đại còn có thêm những lời bình chú mang sắc thái Nho học về một số sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, việc làm quan trọng nhất là do ảnh hưởng và khuyến cáo của nho sĩ, vua Lê Thánh-tông đã ban một số huấn thị nhằm sửa đổi phong tục và đặt ra 24 điều giáo huấn bắt dân chúng học tập để giữ lấy thói tốt [14].
Trước đời vua Lê Thánh-tông, người dân trong nước mỗi khi có cuộc hôn nhân thì thường kéo dài hàng ba bốn năm rồi mới cho rước dâu về nhà chồng, còn lễ tang thì làm cỗ bàn linh đình để ăn uống, hát xướng, vui chơi trong một thời gian. Do đó nhà vua mới ra lệnh việc hôn thì một khi đã nhận lễ hỏi rồi nhà gái phảI chọn ngày cho rước dâu và lễ cưới ngày hôm trước thì ngày hôm sau (nhị hỉ 二喜) phải đi chào cha mẹ và ba ngày thì đi lễ từ đường 祠堂. Mặt khác, nhà nào có lễ tang thì không được hát xướng vui chơi.
Hơn nữa, 24 điều giáo huấn còn dạy bảo bổn phận của cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng, đàn bà góa, sĩ phu, quan dân, thương gia, v.v., cũng như là nghiêm hành nguyên tắc nam nữ thụ thụ bất thân 男女授受不親, bảo vệ phụ nữ. Những điều giáo huấn này còn nhằm ấn định bổn phận của các nhà chức trách các cấp bảo vệ người dân.
Đấy là chưa kể lần đầu tiên trong lịch sử, các nho sĩ đã soạn một bộ địa dư nước Việt: bộ Hồng-đức Bàn Đồ 洪德版圖 (hoàn tất năm 1490). Trước kia nước Việt không có địa đồ. Tới đời vua Lê Thánh-tông, các quan ở các đạo (tương đương với tỉnh sau này) được lệnh xem xét ở trong hạt mình có những sông núi gì, hiểm trở thế nào, phải vẽ bản đồ rõ ràng, và ghi cả sự tích nữa, để làm thành quyển địa dư, gọi là Hồng-đức Bản Đồ. Tuy trước đó 55 năm cũng có bộ Dư Địa Chí 輿地志 do Nguyễn-Trãi biên soạn (xong năm 1435), thường được gọi là An-nam Vũ Cống 安南禹貢 [15], nhưng tài liệu này không được đầy đủ, tỉ mỉ, như bộ Hồng-đức Bản Đồ.
Sau hết, còn phải kể đến một số bộ luật được ban hành trong thời nhà Hậu-Lê là bộ Quốc Triều Hình Luật 國朝刑律 (còn gọi là bộ Luật Hồng-đức hay bộ Luật Nhà Lê), bộ Hồng-đức Thiện Chính Thư 洪德善政書, bộ Quốc Triều Chiếu Lệnh Thiện Chính 國朝詔令善政 và bộ Quốc Triều Khám Tụng Điều Lệ 國朝勘訟條例 [16]. Tuy trước đó nhà Hậu-Lý cũng ban hành một bộ luật, gọi là Hình Thư 刑書 (1042), nhà Trần ban hành bộ Quốc Triều Thông Chế 國朝通制 (năm 1230), bộ Hoàng Triều Đại Điển 皇朝大典, bộ Hình Thư 刑書 (có tài liệu viết là Hình Luật Thư 刑律書), cả hai được biên soạn và ban hành dưới đời vua Trần Dụ-tông 陳裕宗 (tại vị năm 1341-1369), nhưng các bộ luật này đã thất lạc từ lâu nên nội dung và tinh thần của chúng ngày nay không ai rõ. Dựa theo các đạo luật riêng rẽ về một số vấn đề cũng như phương thức xử án thì chúng ta có thể nói rằng có lẽ các bộ luật của hai vương triều này tuy chịu ảnh hưởng không ít các bộ luật của Trung-quốc nhưng cũng đã dung hòa với quan niệm pháp lý đặc biệt của dân tộc Việt, nhất là ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo. Các bộ luật của nhà Lê cũng vậy, tuy mượn kỹ thuật, và cả thuật ngữ pháp lý nữa, của Trung-quốc nhưng đã mang nhiều đặc điểm của triết lý thuần túy Việt, như là bảo vệ quyền lợi tư nhân, quyền kế thừa của phụ nữ, địa vị của phụ nữ, qui chế hôn sản, v.v.
Nói tóm lại, đời vua Lê Thánh-tông có lẽ là thời cực thịnh của giai cấp nho sĩ và của công cuộc nho hóa quốc gia. Các nho sĩ đã chiếm được một ảnh hưởng trọng đại trên từ vua quan dưới xuống đến thứ dân. Trong lúc nắm giữ vai trò ảnh hưởng ở trong cũng như ngoài chính quyền, các nho sĩ đã tận lực phát triển học thuyết Khổng-Mạnh trong chiều hướng biến cải nước Việt thành một quốc gia nho hóa. Chính những nỗ lực của họ đã tạo nên một bức tường văn hóa Nho giáo kiên cố mà hơn ba trăm năm sau văn hóa Pháp tuy có sự hỗ trợ bằng mọi biện pháp, mạnh cũng như nhẹ, của chính phủ bảo hộ Pháp vẫn không sao diệt trừ nổi. Nói một cách khác, giai cấp nho sĩ Việt từ đó đã không chịu thua kém giai cấp nho sĩ Trung-quốc, Nhật-bản hay Triều-tiên trong công cuộc phục vụ Nho giáo và có thể tự hào với thiên chức lãnh đạo quốc gia dân tộc của họ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của các nho sĩ không lâu dài. Trong các triều vua sau, mặc dù ảnh hưởng của họ vẫn còn mạnh, nhưng so với thời vua Lê Thánh-tông đã kém đi rất nhiều.
4
Giai Cấp Nho Sĩ Trong Thời Thoái Hóa
(1527-1917):
Ảnh Hưởng Lu Mờ
Những nỗ lực cải biến quốc gia theo đường hướng và chính sách của Nho giáo mà các nho sĩ theo đuổi trải qua bao nhiêu thế kỷ đã bị nhiều biến cố lịch sử quan trọng phá hỏng, với hậu quả là làm giảm ngôi vị của giai cấp nho sĩ, làm lu mờ ảnh hưởng của họ, và làm trì trệ rồi đi đến chấm dứt công cuộc nho hóa nước Việt.
I. Vai Trò của Nho Sĩ Trong Thời Nam-Bắc Triều và Trịnh-Nguyễn Phân Tranh
Việc tranh chấp giữa nhà Mạc 莫 hay Bắc triều 北朝 (1527-1592) và nhà Hậu-Lê hay Nam triều 南朝, cũng như giữa hai họ Trịnh 鄭 và Nguyễn 阮 (1627-1775) là một đại họa cho quốc gia dân tộc suốt 248 năm (1527-1775). Tài nguyên quốc gia bị kiệt quệ. Tệ nhất là nhân dân bị chia rẽ trầm trọng, ảnh hưởng cho tới tận ngày nay.
Trong thời gian này chỉ có phe võ mới thỏa mãn được các nhu cầu của các phe tranh chấp. Do đó, chúng ta thấy một lần nữa phe võ đã nổi bật chẳng những là trên chiến trường mà còn cả trên chính trường nữa. Vai trò của nho sĩ bị lu mờ vì họ không thể giúp ích gì mấy cho các phe. Họ cũng chẳng làm được một cải cách gì đáng kể khả dĩ thực hiện được học thuyết Khổng-Mạnh.
Vì quan niệm nhà Mạc là thoán nghịch nên các sử gia, tất cả là người thuộc phe nhà Hậu-Lê, đã không nói gì mấy về tình hình văn hóa học thuật nói chung và giai cấp nho sĩ nói riêng ở vùng đất do nhà Mạc cai trị. Chúng ta chỉ biết được là trong suốt thời Nam-Bắc triều có một số ít nho sĩ vì không thần phục nhà Mạc đã bỏ miền Bắc vào Nam, còn đa số vẫn ở lại phục vụ Mạc triều hay tham dự các khóa thi do Mạc triều tổ chức.
Ba mươi năm sau khi chiếm đoạt chính quyền (năm 1527), nhà Mạc đã cho tổ chức khóa thi đầu tiên của triều đại năm 1556. Trong 36 năm kế tiếp (1556-1592), cho đến khi sụp đổ hoàn toàn, nhà Mạc đã tổ chức 12 khóa thi (trung bình 3 năm một khóa) và lấy 220 người đậu tiến sĩ (trung bình 18 người một khóa). Các người trúng tuyển chỉ được trao cho những chức vụ kém quan trọng hơn dưới thời vua Lê Thánh-tông. Tuy nhiên, con số người tham dự các khóa thi cho thấy vẫn có nhiều người coi sự nghiệp cá nhân là quan trọng và không mấy quan tâm đến một vương triều đang đi vào con đường suy vong là Hậu-Lê.
Tại vùng do nhà Hậu-Lê cai trị, nghĩa là từ tỉnh Thanh-hóa trở vào nam, tình hình tệ hơn nhiều.
Hai mươi mốt năm sau khi nhà Hậu-Lê trung hưng (1533-1789), năm 1554, triều đình mới mở một khoa thi. Ban đầu thỉnh thoảng mở một chế khoa 制科; đến năm 1590 lại mở một khoa thi hội. Ngoài ra, còn có những khóa thi bất thường, như khoa Sĩ vọng 士望科, khoa Đông-các 東閣科, khoa Hoành-từ 宏詞科, khoa Tuyển-cử 選舉科. Mặt khác, trong 38 năm, 1554- 1592, chỉ có 8 khóa thi đã được tổ chức (trung bình ngót 5 năm một khóa) và chỉ có 65 người được lấy đậu tiến sĩ (trung bình 8 người một khóa).
Nói cách khác, tại miền Nam, thi cử có một thời đã không được coi là yếu tố quan trọng trong việc tuyển chọn các viên chức thừa hành, chứ không phải là vì nhu cầu hành chính ở trong vùng đất Nam triều có ít hơn ở trong vùng đất Bắc triều. Tình trạng này còn kéo dài sang thế kỷ thứ 17.
Hơn nữa, trong 40 năm, từ năm 1595 đến năm 1634, có tất cả 13 khóa thi được tổ chức (trung bình 3 năm một khóa), nhưng chỉ lấy tổng cộng 93 người đậu tiến sĩ (trung bình mỗi khóa 7 người), một con số ít nhất trong 228 năm, nghĩa là trong khoảng thời gian từ năm 1463 khi có lệ thi 3 năm một lần tới năm 1691 khi có khóa thi 3 năm một lần cuối cùng trước khi có tổ chức thi Văn chức 文職 và thi Tam ti 三司 trong phủ Chúa Trịnh. Để dễ so sánh, chúng tôi xin ghi lại đây vài con số thống kê những người đậu tiến sĩ trong 228 năm này.
Bảng 1
Thống kê những người đậu tiến sĩ trong khoảng thời gian 1463-1691
Thời gian Số năm Số khóa thi Số tiến sĩ Trung bình mỗi khóa
1463-1514 51 18 816 45
1518-1553 35 13 330 25
1554-1592(Lê) 38 8 65 8
1556-1592(Mạc) 36 12 220 18
1595-1634 39 13 93 7
1637-1691 54 19 270 14
Mặt khác, từ sau khi nhà Lê trung hưng, ở phần đất do chúa Trịnh kiểm soát (gọi là Đàng Ngoài), việc thi cử không được nghiêm minh. Xin kể mấy thí dụ.
Đời vua Lê Dụ-tông 黎裕宗 (tại vị năm 1706-1729) ai đi thi cũng phải nộp “tiền minh kinh” 明經錢, gọi là để lấy tiền làm nhà trường và khoản đãi quan trường.
Rồi đến năm 1750, đời vua Lê Hiển-tông 黎顯宗 (tại vị năm 1740-1786), vì nhà nước thiếu tiền, hễ ai nộp 3 quan tiền, gọi là "tiền thông kinh" 通 經錢, thì có thể dự thi hương mà không cần phải qua kỳ khảo hạch. Do đó, lúc bấy giờ người làm ruộng, kẻ đi buôn, bán thịt, dù học kém vẫn được nộp quyển đi thi. Lúc thi đông quá, người tranh nhau vào trường xéo đạp lên nhau, có người chết. Ở trong trường thi, người dùng sách, kẻ thuê người làm bài, học trò và quan trường thông đồng với nhau. Những thí sinh này được gọi là "sinh đồ ba quan" 三串生徒, vì xưa kia chỉ có sinh đồ mới được miễn khảo hạch.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nho giáo chẳng những bị suy giảm về thi cử mà còn cả về văn học nữa. Từ thời Nam-Bắc triều cho tới tiền bán thế kỷ thứ 17 không có một tác phẩm quan trọng nào được biên sọan cả, dù là bằng chữ nôm hay bằng chữ Hán.
Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian này, Phật giáo lại nổi dậy.
Từ 1461, năm mà triều đình hạn chế sự bành trướng của Phật giáo bằng việc cấm dựng chùa mới (tuy Phật giáo ít khi được triều đình khuyến khích), trong suốt 150 năm kế tiếp [17], đạo này không vì thế mà bị tiêu diệt hẳn. Đến đầu thế kỷ thứ 17 các hoạt động của Phật giáo lại gia tăng nhiều hơn. Hơn nữa còn có một số tăng sĩ Phật giáo Trung-quốc sang Việt-nam tị nạn lúc nhà Minh (1368-1644) sụp đổ và Trung-quốc bị vương triều Thanh 清 của người Mãn-châu cai trị (1644-1911). Ngoài ra, cần phải nói tới việc chúa Trịnh-Tráng 鄭梉 (tại vị năm 1623-1657) đã bảo trợ Phật giáo, cho lập chùa Phúc-long ở làng Lãng-ngâm, huyện Gia-định năm 1648 mà sau này chúa Trịnh-Cương 鄭棡 (tại vị năm 1709-1729) sức cho dân ba huyện Gia-định, Lương-tài và Quế-dương trùng tu lại năm 1719; việc vợ vua Lê Thần-tông 黎神宗 (tại vị năm 1619-1643) đã qui y đạo Phật khoảng năm 1630; v.v.
Ngay cả ở vùng đất của chúa Nguyễn, Phật giáo cũng phục hưng. Chúa Nguyễn-phúc-Tần 阮福瀕 (tục gọi là Chúa Hiền 主賢, tại vị năm 1648-1687) theo Phật giáo và đã che trở cho một số tăng sĩ Trung-quốc sang lánh nạn khi người Mãn-châu chiếm được trung nguyên, như đã nói ở một đoạn bên trên.
Mãi tới hậu bán thế kỷ thứ 17 Nho giáo mới phục hồi ảnh hưởng đôi chút, ít nhất là ở trong vùng đất do chúa Trịnh kiểm soát. Con số người lấy đậu tiến sĩ đã tăng dần, năm 1670 có tới 31 người. Tuy nhiên, có 3 khóa mỗi khóa lấy không quá 10 người đậu tiến sĩ.
Sự phục hồi này đi đôi với một vài sự kiện đáng chú ý khác.
Năm 1662 (Cương Mục chép là năm 1663), chúa Trịnh-Tạc 鄭 柞 (tại vị năm 1657-1682) đã ban hành một tập huấn thị 47 điều về việc cải cách phong tục. Tập huấn thị này mang nhiều ảnh hưởng của Nho giáo nên đã bị giới Phật giáo chỉ trích.
Năm sau (1663), chúa còn ra lệnh cho Tham tụng Phạm-công-Trứ 范公著 và một số nho sĩ tu chính và tăng bổ lại bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô-sĩ-Liên. Bộ sách tu bổ này, có tài liệu kể tên là Việt Sử Toàn Thư 越史全書, chép thêm những sử kiện từ đời vua Lê Trang-tông 黎莊宗 (tại vị năm 1533-1548) đến đời vua Lê Thần-tông 黎神宗 (tại vị lần thứ 1 năm 1619-1643 và lần thứ 2 năm 1649-1662) và chia làm 23 quyển. Công việc hoàn tất năm 1665 và theo sách Việt-nam Sử Lược của Trần-trọng-Kim sách không được in (quyển II, tr. 62), còn theo nhiều tài liệu khác, sách được ấn hành năm 1667.
Tiếp theo là năm 1676, Hồ-sĩ-Dương 胡士楊 được lệnh của chúa Trịnh-Tạc xét lại bộ quốc sử, nhưng chưa được bao lâu ông tạ thế, nên hai ông Lê-Hi 黎僖 và Nguyễn-quí-Đức 阮貴德 được lệnh chép nối từ đời vua Lê Huyền-tông 黎玄宗 (tại vị năm 1663-1671) đến đời vua Lê Gia-tông 黎嘉宗 (tại vị năm 1672-1675), thêm vào 13 quyển. Bộ sách mới này mang tên là Quốc Sử Thực Lục 國史實.
Đoạn năm 1775, chúa Trịnh-Sâm 鄭森 (tại vị năm 1767-1782) sai các ông Nguyễn-Hoàn 阮俒, Lê-quí-Đôn 黎貴惇, Ngô-thời-Sĩ 吳時 仕 và Nguyễn-Du 阮攸 biên soạn quốc sử, chép thêm từ đời vua Lê Hi-tông 黎熙宗 (tại vị năm 1676-1705) đến đời vua Lê Ý-tông 黎懿宗 (tại vị năm 1735-1740), gồm 6 quyển, gọi là Quốc Sử Tục Biên 國史 續扁.
Mặt khác, năm 1669, ông Phạm-công-Trứ đã tâu xin cải cách thuế má, đặt ra phép bình lệ平例 [18].
Những thí dụ này cho thấy dấu hiệu của một luồng sinh khí mới mang tính chất Nho giáo thổi vào trong giới chính quyền và trong giai cấp nho sĩ dù nó không được mạnh bằng dưới đời vua Lê Thánh-tông. Tuy nhiên, chẳng bao lâu lại có những việc khiến vai trò của nho sĩ một lần nữa bị lu mờ, nhường chỗ cho Phật giáo.
Năm 1731 vua Lê-duy-Phương 黎維祊 (tại vị năm 1729-1731) bị chúa Trịnh-Giang 鄭杠 (tại vị năm 1729-1740) vu cho là đã tư thông với vợ chúa Trịnh-Cương, phải bỏ ngôi, bị giáng làm Hôn-đức công 惛德公, rồi đến năm sau (1732) thì bị giết. Đây không phải là một trường hợp duy nhất vua Lê bị chúa Trịnh áp bức bắt nhường ngôi. Trước Lê-duy-Phương, vua Lê Dụ-tông 黎裕宗 (tại vị năm 1706-1729) cũng đã bị Trịnh-Cương bắt phải nhường ngôi cho Duy-Phương rồi, và sau Duy-Phương, vua Lê Ý-tông năm 1740 cũng lại bị chúa Trịnh-Doanh 鄭楹 (tại vị năm 1740-1767) bắt phải nhường ngôi cho vua Lê Hiển-tông 黎顯宗 (tại vị năm 1740-1786).
Cùng với những biến cố chính trị này còn có những sự việc khác không hay cho giai cấp nho sĩ. Mọi đề nghị cải cách của một số nho sĩ tham chính đều bị dẹp bỏ.
Năm 1718, đời vua Lê Dụ-tông, chúa Trịnh-Cương đặt ở bên phủ Chúa lục phiên 六番 tương đương với lục bộ của nhà vua để coi mọi việc chính trị. Ngoài các văn ban 文班 và võ ban 武班 ra còn có thêm giám ban 鋻班 nữa. Các quan bên phủ Chúa thường là các nội
giám 內監 được cho ra làm quan coi việc chính trị. Hơn nữa, các việc chính trị và quân dân đều do Phủ liêu 府僚 của Chúa định đoạt hết, chứ không phải là triều đình 朝廷 của vua Lê.
Từ đời chúa Trịnh-Giang trở đi, các quan tứ phẩm trở xuống muốn được thăng chức phải nộp 600 quan, còn dân bạch đinh muốn được bổ tri huyện phải nộp 1.800 quan, tri phủ 2.000 quan [19]. Tuy trước kia, trong đời hai vua Trần Dụ-tông và Lê Thánh-tông cũng có việc bán phẩm hàm, nhưng thời bấy giờ chỉ là mua lấy hàm danh dự thôi, chứ không có mua thực chức. Với việc bán chác từ đời chúa
Trịnh-Giang này, hễ kẻ có tiền là có quyền trị dân, không cần có tài năng, không cần phải qua bất cứ một cuộc thi cử nào.
Mặt khác, từ năm 1723, Tham tụng Nguyễn-công-Hàng 阮公沆, một nho sĩ, đã phỏng theo phép nhà Đường 唐 (618-907) bên Trung-quốc sửa đổi lại cách đánh thuế theo phép tô 租 (thuế điền thổ), dung 庸 (thuế thân) và điệu 調 (tiền sưu dịch). Ngoài ra còn có vài biện pháp khắc nghiệt khác, khiến cho nhân dân ta thán nhiều, nhất là chúa Trịnh-Giang lại xa phí quá đáng, cộng thêm nạn giặc giã liên miên khiến chính quyền lại càng phải gia tăng thuế má.
Xét về một phương diện khác, năm 1734 chúa Trịnh-Giang ra lệnh cấm nhập cảng các sách Nho giáo từ Trung-quốc và bắt khắc bản in trong nước để in các sách này phát ra mọi nơi. Trần-trọng-Kim trong sách Việt-nam Sử Lược cho rằng hành động này có lợi cho tài chính nước nhà (tập II, tr. 60), nhưng không giải thích lý do tại sao chỉ ít lâu sau chúa lại cử phái đoàn sang Trung-quốc thỉnh kinh Phật giáo. Theo thiển ý của chúng tôi, hai việc này nói lên sự phục hưng của đạo Phật và sự suy thoái của vai trò các nho sĩ. Chúng ta cũng không nên quên rằng năm 1737, chúa còn buộc triều đình cúng một pho tượng Phật lớn cho chùa Quỳnh-lâm, một ngôi chùa Phật quan trọng, và sắc cho các quan thay phiên đến làm lễ.
Đáng chú ý là trong khoảng thời gian 1719-1737 chỉ thấy nói các chúa làm chùa thôi. Năm 1719 chúa Trịnh-Cương cho trùng tu chùa Phúc-long. Năm 1727 chúa lại cho các nội giám lập chùa Thiên-tây (tại làng Sơn-đình, huyện Tam-dương, trấn Sơn-tây) và chùa Độc-tôn (làng Cát-nê, huyện Phổ-an, tỉnh Thái-nguyên) và chúa ra nghỉ ở đó. Năm 1730 chúa Trịnh-Giang sức dân 3 huyện Đông-triều, Thủy-đường và Chí-linh, trấn Hải-dương, trùng tu chùa Quỳnh-lâm và chùa Sùng-nghiên. Năm 1736, chúa cho phép dân các huyện Đông-triều, Kim-thành, Giáp-sơn, Thủy-đường dựng chùa Hồ-thiên (ở huyện Bảo-lộc, trấn Kinh-bắc) và chùa Hương-hải (ở làng Phụ-vệ, huyện Chí-linh, trấn Hải-dương). Năm 1731, chúa Trịnh-Sâm (1767-1782) cho dựng chùa Tiên-tích ở ngoài cửa Đại-hưng (làng Nam-ngư, huyện Thọ-xương, phủ Hoài-đức, nay là phố Hàng Bột, Hà-nội).
Tuy nhiên, khi cần, chúa lại tịch thu chuông đồng hay đồ đồng ở các chùa để đúc binh khí (như: năm 1740 chúa Trịnh-Giang tịch thu chuông để lấy đồng đúc binh khí) hay đúc tiền (chẳng hạn: năm 1788 chúa Trịnh-Bồng, 1787-1788, tịch thu các đồ đồng ở chùa để đúc tiền).
Nhận xét về tình hình Nho giáo và Phật giáo vào thời kỳ này, ít nhất là ở ngoài Bắc-hà, Thượng tọa Mật-thể đã viết như sau:
"Phật giáo về thời này tuy có cơ hưng thạnh, nhưng sự thực đã yếu thế nhiều, nên phải xướng thuyết 'nhất thể' để cầu thân với Nho, Lão. Và đồng thời đẳng cấp Nho giáo lúc này cũng đã bước vào tình thế suy lạc, nên lại phải mượn Phật giáo làm chỗ an ủi. Bởi vậy, thời này có rất nhiều vị Nho sĩ đầu Thuyền...
"Lại cũng trong thời này, ông Trịnh-Huệ cũng xướng thuyết 'Nhất thể' làm sách 'Tam giáo nhất nguyên thuyết' để giải rõ ba giáo vốn đồng một gốc. Sách tuy có lợi cho những người muốn theo học cả ba giáo, sự thật điều đó càng giúp ta chứng rõ khuynh hướng ấy." [20].
Còn ở Đàng Trong, nơi chúa Nguyễn cai trị, ảnh hưởng của Nho giáo trong hai thế kỷ thứ 17 và 18 không mạnh lắm, các nho sĩ không làm được một điều gì đáng chú ý khiến có thể hướng dẫn quốc gia theo con đường Nho giáo.
II. Sự Bất Hợp Tác của Đa Số Nho Sĩ Thời Nhà Tây-sơn (1788-1802)
Bước sang thời nhà Tây-sơn, ảnh hưởng của nho sĩ vẫn không đáng kể, nếu không thể nói là đã thoái hóa.
Hoàng đế Quang-trung Nguyễn-Huệ 光中阮惠 (tại vị năm 1788-1792) đã quyết định dùng chữ nôm thay thế chữ Hán trong các kỳ thi cũng như trong các công văn giấy tờ, vì nhà vua muốn người Việt phải dùng tiếng Việt để gây thành tinh thần quốc gia và văn chương đặc biệt, chứ không phải đi mượn chữ nước người. Do đó, trong thời kỳ này văn học chữ nôm đã phát triển mạnh.
Chỉ đáng tiếc là sau khi nhà Tây-sơn bị nhà Nguyễn (1802-1945) diệt, chữ nôm lại không được chính thức dùng nữa, nhất là trong các kỳ thi tuyển lựa người ra làm quan, mặc dù đã có không ít người dùng chữ nôm trong các tác phẩm văn học của mình. Người đương thời, nhất là các nho sĩ, quan niệm sai lầm rằng "nôm na là cha mách qué " chỉ nên dùng trong những việc làm có tính cách mua vui thôi, chứ không thể dùng trong những công việc có tính cách nghiêm trang như thi cử, công văn, luật lệ.
Sự thực là vì các nho sĩ đã mang đầu óc nô lệ văn hóa. Họ đã tôn thờ Hán tự, cho là chữ của thánh hiền, đến độ không dám làm gì có thể làm nhơ bẩn đến kinh sách chữ Hán, như là vứt xuống đất, dẫm lên trang giấy chữ Hán, v.v. Ngoài ra, họ còn có đầu óc vọng ngọai, cho bất cứ cái gì của ngoại quốc, ở đây hiểu là của Trung-quốc, cũng là hay, là đẹp, mà coi khinh cái gì là nội hóa, trong đó chữ nôm là một [21]. Hơn nữa, các nho sĩ cũng hiểu rằng nếu chữ nôm hoàn toàn thay thế chữ Hán thì sớm muộn gì ảnh hưởng của Nho giáo thế nào cũng bị phai nhạt, không còn được chú trọng đến nữa và vai trò cũng như quyền hành của họ sẽ bị tiêu tan. Do đó, lẽ tất nhiên là họ phải chống đối việc dùng chữ nôm làm văn tự chính thức.
Sự chống đối của các nho sĩ trong thời nhà Tây-sơn chẳng phải là chỉ về mặt văn tự, mà còn cả về chính trị nữa. Họ vu cáo cho là nhà Tây-sơn đã dùng chính sách hà khắc ức hiếp nhân dân. Hơn nữa, họ đã coi nhà Tây-sơn là soán nghịch, đã cướp ngôi nhà Hậu-Lê. Vì thế rất nhiều người không chịu ra cộng tác giúp nhà Tây-sơn. Họ biện minh cho thái độ của họ bằng câu "trung thần bất sự nhị quân" 忠臣不事二君. Tiêu biểu cho các nho sĩ này là Nguyễn-Du 阮 攸, tác giả tương lai của Đoạn Trường Tân Thanh 斷腸新聲 [22].
Thực ra vua Quang-trung Nguyễn-Huệ là người rất trọng đãi những bậc hiền tài, văn học, nói cách khác là các nho sĩ, như là Ngô-thời-Nhiệm 吳時任, Phan-huy-Ích 潘煇益, v.v. Người được nhà vua kính trọng nhất và coi như bậc thầy của mình là xử sĩ Nguyễn-Thiệp 阮浹 [23]. Nhà vua đã nhiều lần đem lễ vật biếu và mời ông ra giúp nước. Tuy ông không nhận lễ và từ chối không ra tham chính, nhà vua vẫn tôn kính ông và việc chính trị trong nước thường theo khuyến cáo của ông.
Mặc dù không được nhiều nho sĩ ủng hộ, nhà Tây-sơn đã cố gắng cải tổ công việc triều chính và cai trị quốc gia, cố tạo nên một nước Đại Việt hùng cường về văn học, kinh tế, binh bị, khiến cho các nước lân cận, kể cả Trung-quốc, phải nể vì. Ngay cả về phương diện tinh thần nhà Tây-sơn cũng lo chấn chỉnh. Trong thời nhà Tây-sơn, các làng phải bỏ các chùa nhỏ, thay bằng một chùa thật to và đẹp ở mỗi phủ hay huyện. Giới tăng sĩ thì chọn những người có học thức và đạo đức cho coi chùa thờ Phật và bắt các kẻ tu hành ngu dốt, chuyên mượn tiếng thần thánh đánh lừa ngu dân phải hoàn tục.
Như vậy, nếu có sự suy hóa của Nho giáo trong thời nhà Tây-sơn, đó không phải là do chính sách hà khắc của vương triều nay, mà chính là do thái độ hẹp hòi, ý nghĩ thiển cận, đầu óc hủ lậu, tư tưởng vọng ngoại của nhiều nho sĩ, đã đồng hóa vua với nước và nước với vua, nên chỉ lo bo bo trung với vua mà quên cả trung với nước, mặc dù vua chỉ có hư vị như là các vua Hậu-Lê hay thối nát tham nhũng bạo tàn như chúa Trịnh, hoặc là cố bám quyền hành đến độ rước cả ngoại bang (Xiêm-la, tức Thái-lan ngày nay, và Pháp) vào để đưa quốc gia vào vòng nô lệ như Nguyễn-Ánh 阮暎. Thái độ này cuối cùng đã đưa đến sự suy vong của giai cấp nho sĩ vào đầu thế kỷ thứ 20.
)Còn tiếp)